Bulgary
Ngày 1.6 ở đất nước này thường được ghi dấu bởi những bài phát biểu về quyền trẻ em trong các chương trình dành cho thiếu nhi, cùng nhiều hoạt động vui chơi bổ ích. Các em nhỏ chính là tâm điểm của các bữa tiệc tại trường hay ở gia đình. Đặc biệt, tất cả ô tô tham gia giao thông trên đường phố đều phải bật đèn sáng trong suốt cả ngày.
Trung Quốc
1.6 chính thức được Trung Quốc công nhận là ngày Quốc tế thiếu nhi – ngày dành riêng cho trẻ em ở Trung Quốc nói chung và thế giới nói riêng vào năm 1949. Tuy nhiên, trong thời kì này, ở các trường tiểu học, các em học sinh đều chỉ có nửa ngày nghỉ lễ. Cho tới năm 1956, các em mới được hưởng một ngày nghỉ lễ 1.6 trọn vẹn.
Ngày quốc tế thiếu nhi ở Trung Quốc luôn được tổ chức một cách long trọng và đặc biệt. Thay vì đi học, các em được tham gia các buổi cắm trại, xem phim miễn phí do nhà trường tổ chức và có riêng cho mình một nghỉ lễ chào đón thật hoành tráng.
1.6 là khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình, bạn bè, thầy cô giáo. Các trường học thường tổ chức những cuộc thi hát, thi nhảy… vào đêm ngày 1.6 hoặc cả đêm trước đó. Lớp học trong ngày này cũng rực rỡ hơn bởi nhiều màu sắc trang trí bắt mắt. Nó không những trở thành rạp chiếu phim, mà còn là nơi lí tưởng để tổ chức tiệc tùng suốt cả sáng và còn kéo dài mãi đến hết ngày dành cho các em.
Mông Cổ
Đất nước này chọn 1.6 hàng năm là ngày để tôn vinh trẻ em và phụ nữ. Tất cả các bài nói chuyện, các cuộc hội nghị, mít tinh hay các chương trình truyền hình về phụ nữ và trẻ em được phát đi trong ngày 1.6 đều hướng sự chú ý của mọi người dân tới những thách thức mà cả họ phải đối mặt trong một xã hội đang trên đà hiện đại hóa.
Ngày 1.6 của các em thiếu nhi bắt đầu bằng việc bị “trói lại” và phải hứa sẽ ngoan ngoãn nếu muốn được thả ra. Tuy nhiên, đây thực sự là ngày hạnh phúc nhất của trẻ em Mông Cổ. Chúng có quyền được đòi hỏi bất cứ điều gì mình muốn và tha hồ “hưởng thụ quyền lực” của mình.
Những công viên trong ngày này thường đông nghịt các em nhỏ xúng xính trong những bộ váy áo đẹp đẽ, tay cầm kẹo và liên tục xếp hàng để được chơi các trò chơi. Công viên trong ngày quốc tế thiếu nhi ở Mông Cổ có thể ví như thiên đường trẻ thơ. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều công viên đã phải đóng cửa để quy hoạch và tôn tạo lại.
Ba Lan
Dzien Dziecka là tên những người Ba Lan vẫn dành để gọi ngày lễ đặc biệt này của trẻ em. Ngày Quốc tế thiếu nhi đã xuất hiện ở Ba Lan từ những 1952 và nhanh chóng được người dân nước ngày chấp nhận. Giáp với những ngày đầu hè, khi các em học sinh chuẩn bị kết thúc kì học của mình, nên 1.6 ở đất nước này luôn được coi như một ngày lễ. Học sinh vẫn phải đến trường, song không phải học như những ngày bình thường, mà thay vào đó là xem phim miễn phí, tham gia rất nhiều hoạt động cắm trại và vui chơi ngoài trời phong phú do nhà trường tự tổ chức.
Không chỉ ngày 1.6 mà cả tuần đầu của tháng 6 luôn đầy ắp các hoạt động tập thể dành cho trẻ em tại công viên hay những khu vui chơi giải trí. Bố mẹ vẫn thường chuẩn bị các món quà bất ngờ dành cho những thiên thần nhỏ của mình, theo một nguyên tắc: Càng bé càng được nhận quà to.
Một trong những hoạt động thường niên trong mùng 1.6 là tổ chức cuộc họp quốc hội đặc biệt tại Warsaw – thủ đô của Ba Lan. Tham gia điều hành quốc hội, không ai khác, chính là các em thiếu nhi, những người sẽ được quyền bàn bạc, tranh luận về các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, giáo dục, về chiến tranh, hòa bình và lòng bao dung. Thậm chí, nhiều bài phát biểu của các em thiếu nhi còn sâu sắc và thực tế hơn hẳn các chính trị gia. Có thể nói, 1.6 là một trong những ngày lễ được yêu thích nhất tại đất nước này.
Theo monngonhanoi