ThS.BS Võ Thị Thu, giảng viên bộ môn đông y, học viện Y học cổ truyền Việt Nam: Mật ong chứa khá nhiều chất dinh dưỡng, nên có tác dụng tốt với sức khoẻ, như bù đắp năng lượng, tăng sức đề kháng, sát trùng, chữa viêm loét dạ dày – tá tràng, an thần, cải thiện giấc ngủ, làm mềm da, liền sẹo, chữa phỏng nhẹ, vết côn trùng đốt… Tuy nhiên, mật ong dù tốt nhưng không phải ai dùng cũng thích hợp.
Nhiều bà mẹ có thói quen khi trẻ bị tưa lưỡi thì dùng mật ong rơ lưỡi trẻ, hay lúc trời trở lạnh cho con uống mật ong để mát phổi, tăng đề kháng, bổ não… Đây là những cách làm có thể gây hại cho trẻ.
Một số công trình nghiên cứu phát hiện trong đất và bụi có vi khuẩn clostridium botulinum, trong quá trình ong đi lấy mật có thể mang phấn hoa và mật chứa loại vi khuẩn này về tổ, khiến mật ong bị nhiễm khuẩn. Trẻ dưới 12 tháng tuổi, do đường ruột chưa hoàn thiện, đề kháng còn yếu nên uống mật ong rất dễ ngộ độc botulism, là độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum, với những biểu hiện yếu cơ, khó thở, táo bón, mệt mỏi, bỏ bú sữa, khóc dai dẳng, suy khả năng vận động…
Nếu nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây tử vong. Ngoài ra, trong mật ong còn có hàm lượng hormone nhất định, uống thời gian dài dễ khiến trẻ dậy thì sớm.
Mật ong dù tốt nhưng không phải ai sử dụng cũng thích hợp. Ảnh: Đào Vũ.
Để an toàn, không nên cho trẻ uống mật ong khi còn quá nhỏ (dưới 12 tháng tuổi). Bé đã hơn một tuổi chỉ thi thoảng dùng một ít. Trẻ đã trên mười tuổi thì có thể cho uống nhiều hơn. Khi cho trẻ uống mật ong nên pha với nước ấm, sẽ dễ hấp thụ hơn là uống trực tiếp. Nên cho trẻ uống mật ong trước bữa ăn chừng một tiếng đồng hồ hoặc sau bữa ăn 2 – 3 tiếng.
Mật ong có tính hơi lạnh, tác dụng tăng cường co bóp đường ruột, giúp rút ngắn thời gian đại tiện, vì vậy với những trẻ có đường tiêu hoá không tốt, đầy bụng hoặc đi ngoài cũng cần thận trọng khi sử dụng.
Sưu tầm.