Hương vị tinh tế, màu sắc phong phú… và mang đầy ý nghĩa, xung quanh câu chuyện những chiếc bánh cổ truyền của xứ Phù Tang, gọi chung là Wagashi (Hòa quả tử – Bánh ngọt Nhật bản) có nghĩa là bánh ngọt có rất nhiều điều thú vị.
Xa xưa, Wagashi được dùng để cúng tế các vị thần. Từ triều đại Edo thế kỷ 16 chúng được đưa vào các lễ trà đạo. Vị ngọt nhẹ nhàng của wagashi sẽ làm giảm vị chát của trà xanh. Vì thế người ta luôn dọn Wagashi vào bữa trà, dùng với một cây xiên nhỏ. Ngoài ý nghĩa là món tráng miệng, Wagashi cũng là biểu tượng của sự hiếu khách, thường dùng làm quà tặng trong các dịp lễ, đặc biệt là lễ cưới hay sinh nhật…
Wagashi xuất hiện từ thời Yayoi (300 TCN – 300), nhưng khi đó chúng không khác nhiều so với các loại hoa quả, dâu và các hạt tự nhiên. Cho đến thời Edo (1603-1867), nghệ thuật làm Wagashi mới trở nên thịnh hành. Ngành kinh doanh buôn bán Wagashi đã trải qua và phát triển mạnh mẽ tại Kyoto, Edo cũng như các vùng khác. Các loại Wagashi hảo hạng đã xuất hiện trong giai đoạn này. Mục đích sử dụng Wagashi cũng đa dạng hơn.
Đến cuối thời Taisho (1912-1926), từ ” Wagashi” mới hình thành để phân biệt với các loại bánh Tây khác. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hoá ngoại lai trong nhiều thế kỷ nhưng Wagashi vẫn luôn mang trong mình ý thức nghệ thuật của dân tộc Nhật.
Theo monngonhanoi