Trầu têm cánh phượng thắm tình lứa đôi

Trong tiềm thức và phong tục của người Việt, miếng trầu có vai trò rất quan trọng đặc biệt là trong việc tác thành hạnh phúc lứa đôi. Thế nên, không biết tự bao giờ trong dân gian đã lưu truyền rất nhiều câu ca liên quan đến miếng trầu như : “Có phải duyên nhau thì thắm lại”, “Ba đồng một mớ trầu cay”, “Vì trầu thắm quá làm lòng em say”, “Miếng trầu nên dâu nhà người” hay “Miếng trầu là đầu câu chuyện”… Miếng trầu làm mọi người gần gũi với nhau hơn, cởi mở với nhau hơn. Với người lạ, miếng trầu để làm quen, kết bạn, với người quen, miếng trầu là tri ân, tri kỷ.

 

Trong miếng trầu nhỏ bé nhưng hội tụ rất nhiều yếu tố, đủ hương, đủ vị. Một miếng trầu bao gồm một lá trầu quệt ít vôi tôi trắng ngần, têm gọn gàng, tỉa hình cánh phượng, cuốn ăn cùng lát vỏ đỏ au và miếng cau bổ sáu. Nếu đứng riêng rẽ, đó chỉ là cây, là lá, là đá . Nhưng khi hợp lại, chúng hoà quyện, cộng sinh vào nhau, được ấp ủ trong môi miệng con người thì tất cả bỗng biến đổi, trở nên đằm thắm, rực rỡ hơn. Khi ăn, ban đầu miếng trầu mang vị chát, hơi đắng nhưng dễ chịu và có cung bậc được tạo ra bởi sự tươi ngọt từ phần mềm của cau, vị bùi của vỏ và vị nồng nàn của vôi. Tất cả những hương vị và sự hòa quyện đó khiến người ăn có cảm giác lâng lâng gần như say rượu, say nước chè xanh hay say thuốc lào.

 

Miếng trầu không chỉ đơn giản là thú ăn chơi bởi khi ăn trầu có mùi thơm, trừ được vi khuẩn trong miệng, giúp các bà, các chị nhuộm răng đen. Miếng trầu còn tượng trưng cho tình yêu chung thủy lứa đôi, nó cũng là “bùa mê”, là chiếc cầu đưa đẩy thiếp và chàng nên duyên chồng vợ. Khi nam nữ bên nhau, mời nhau miếng trầu cay, môi người con gái đỏ và bóng lên, đôi má ửng hồng, nét đẹp thiếu nữ càng khiến các chàng trai đắm say.

 

Khi duyên đã bén, cũng chính miếng trầu đi đầu, tác hợp cho lứa đôi đồng thời là sợi dây kết chặt mối lương duyên cho đôi trai gái thành vợ thành chồng. Trong mâm lễ sang thưa chuyện cùng nhà gái, nhà trai dù giàu nghèo thế nào cũng không thể thiếu lá trầu, quả cau. Trong tất cả các nghi thức, lễ nghi như dạm ngõ, ăn hỏi và cuối cùng là lễ cưới sự hiện diện của miếng trầu là điều không thể thiếu. Khi đám cưới kết thúc, cô dâu, chú rể bưng khay trầu mời họ hàng, khách khứa như thông báo chính thức rằng họ đã nên vợ, thành chồng.

 

Ngày nay, mặc dù miếng trầu không còn xuất hiện nhiều trong giao tiếp hàng ngày, người ta không còn mời nhau ăn trầu nữa mà thay vào đó là những đồ ăn thức uống của thời hiện đại, nhưng hình ảnh người bà ngồi bên hiên nhà bỏm bẻm nhai trầu, vừa quạt vừa kể chuyện cổ tích cho đàn cháu nhỏ nghe sẽ vẫn khắc sâu trong tâm tưởng mỗi chúng ta.

Tục lệ ăn trầu mãi mang đậm nét bản sắc dân tộc và tính nhân văn trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam. Và đặc biệt, điều đáng tự hào hơn đó là trải qua bao đổi thay, nhiều giá trị văn hóa đã mai một do sự tác động của cuộc sống đô thị song trong tập tục cưới hỏi của người Việt, miếng trầu vẫn giữ nguyên giá trị và được con cháu nâng niu, gìn giữ.

Theo monngonhanoi