Liệu bánh Trung Thu có thật sự ngon đến thế hay chỉ là người Việt thích hành động theo số đông?
‘Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra’, chính là câu nói phù hợp tuyệt đối với tình hình kinh doanh bánh trung thu tại Hà Nội năm nay.
… Trong khi một loạt các hãng sản xuất bánh kẹo lớn phải dàn trận ra quân, đầu tư tiền tỉ, bao kín vỉa hè của (gần như) toàn thành phố mà vẫn có vẻ ế ẩm thì một hãng bánh kẹo tư nhân truyền thống của Hà Nội lại khiến các đối thủ nổ đom đóm mắt ghen tị vì đuổi khách đi không hết.
Mấy hôm trước đang ngồi café với đám bạn, tôi thấy một cô bạn tới khệ nệ cầm theo 3 hộp bánh Trung Thu. Cả bọn đòi mở một hộp ra ăn chống buồn ngủ thì cô nàng kiên quyết nói không: “Bánh gia truyền đấy, tao phải nhờ người quen thân với chủ cửa hàng mới mua được đấy. Con bạn tao vào tận xưởng khênh ra được hai chục hộp vì toàn được nhờ mua hộ với biếu xén đấy. Không quen biết thì cứ ra ngoài đấy mà xếp hàng”. Trời, bánh nướng bánh dẻo bán đầy đường sao mà quan trọng hóa đến thế! Thấy bọn bạn ồ à trầm trồ, tôi cũng tò mò lên mạng tìm thông tin. Hóa ra là có chuyện xếp hàng mua bánh Trung Thu như thời bao cấp thật.
Chưa thấy một cửa hàng bán bánh Trung Thu truyền thống nào mà lắm quy định như ở đây: người mua phải xếp hàng theo lượt; mỗi người chỉ được mua tối đa năm hộp bánh. Mặc kệ các cửa hàng đèn đóm sáng choang tủ kính long lanh, nhân viên xởi lởi tiếp đón, mua bao nhiêu hộp cũng được (lại toàn hộp to hộp đẹp), dân ta vẫn thích nối đuôi nhau xếp hàng để được mua năm hộp bánh trông bao bì có vẻ rất đơn giản, kém hiện đại. Mới đầu, tôi cũng khá là… ngạc nhiên và thắc mắc: “Tại sao phải khổ sở vì một hộp bánh đến thế nhỉ?! Liệu có đáng không?”. Nhưng nghĩ lại, câu chuyện xếp hàng mua bánh Trung Thu như thế này cũng có nhiều cái hay cái đẹp.
Chưa thấy một cửa hàng bán bánh Trung Thu truyền thống nào mà lắm quy định như ở đây: người mua phải xếp hàng theo lượt; mỗi người chỉ được mua tối đa năm hộp bánh. (Ảnh minh họa internet)
Đoàn người dài dằng dặc suốt một đoạn đường vài trăm mét, hết sức trật tự và lịch sự, không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy. Người mua người bán đều thoải mái và vui vẻ. Vậy là vì tấm bánh Trung Thu lại thành ra chứng minh được việc dân ta cũng có văn hóa xếp hàng văn minh như ai.
Người dân không quản ngại vất vả để mua được một hộp bánh cổ truyền, chất lượng chứng tỏ dân Việt mình vẫn còn dành sự tín nhiệm đối với các sản phẩm trong nước và truyền thống. Nhưng với điều kiện, mặt hàng đó phải thật sự có chất lượng và uy tín đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, tặng nhau một hộp bánh Trung Thu là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nên việc xếp hàng để mua được một hộp bánh quý thể hiện sự tôn trọng và tình cảm đối với người nhận hơn là việc bỏ tiền ra mua một cách dễ dàng và làm cho có.
So với các hãng bánh lớn khác, bánh ở đây ít biến tấu và “sáng tạo” hơn nhưng lại giữ được những hương vị cổ truyền chính hiệu mang dấu ấn của bao nhiêu năm làm bánh Trung Thu. Người dân ta, trong các dịp lễ truyền thống, thực sự vẫn chuộng những gì mang đậm nét Việt Nam hơn. Bên gia đình, uống chén trà mạn ngắm trăng tròn mà lại ăn một miếng bánh Trung Thu rau câu thì tự dưng thấy… vô duyên. Vậy nên, những gì cổ và cũ chưa chắc đã mất đi giá trị của mình dù trong thời đại càng ngày càng hiện đại này.
Tất nhiên, không thể không xét tới những nguyên nhân “thực tiễn” nhìn thấy tính được như việc bánh ở đây rẻ hơn, mà ngon hơn ở nơi khác; lại có uy tín mấy chục năm trời. Ai ai cũng đều thực tế cả! Nếu bạn tự thấy thời gian mình bỏ ra để xếp hàng ở đây còn đáng giá hơn mấy hộp bánh thì có thể chọn cách thức tiện lợi, phù hợp hơn với mình. Nhưng cũng đừng chê bôi dè bỉu những người đang xếp hàng mua bánh kia là “dở hơi biết bơi” hay “ki bo kẹt xỉn, tiết kiệm mấy đồng xu lẻ”.
Ai cũng có quyền lựa chọn và có tiêu chí riêng đối với việc đánh giá thế nào là một hộp bánh Trung Thu ngon. Tôi thì tôi vẫn thấy mình nên tự thử làm một mẻ bánh nướng bánh dẻo của riêng mình, dù ngon dù dở thì cũng được một kỉ niệm vui bên gia đình mùa Trung Thu này.
Theo eva