Tinh túy ẩm thực Nhật Bản

Bức tranh văn hóa ẩm thực Nhật Bản ngày nay là kết quả của sự hội tụ, sự giao thoa của nhiều luồng văn hóa ẩm thực thế giới. Nhưng điều đặc biệt là người Nhật đã biết vận dụng sáng tạo những nét đặc sắc của những nền văn hóa bên ngoài và biến đổi tài tình để phù hợp với khẩu vị, quan niệm thẩm mỹ… của người Nhật. Nhìn vào món ăn người ta hiểu được đặc điểm từng địa phương; ảnh hưởng lịch sử qua sự lựa chọn món ăn, kỹ thuật trưng bày… Người Nhật có thói quen ăn một vài món ăn trong một thời điểm nhất định trong năm và món ăn được thay đổi theo các mùa.

Đặc trưng cơ bản nhất trong các món ăn của xứ sở Phù Tang là không đề cao đến số lượng nhưng lại đặc biệt chú trọng đến cách trang trí, phối màu nguyên liệu để tạo nên những món ăn hấp dẫn, có màu sắc bắt mắt và hương vị thơm ngon. Tuy những món ăn khá giản dị nhưng người Nhật gửi vào đó cả tấm lòng và thể hiện được sự tinh tế trong tâm hồn khiến chúng trở thành những kiệt tác nghệ thuật ẩm thực độc đáo có 1 không 2. Đó chính là điều làm nên sự tinh tế và riêng biệt của ẩm thực đất nước mặt trời mọc: món ăn tao nhã, màu sắc bắt mắt, hài hòa cả màu sắc lẫn hương vị, với hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết đã để lại dư vị mạnh mẽ trong lòng người thưởng thức.

Hơn thế nữa, ẩm thực Nhật Bản thể hiện sự tinh tế trong tâm hồn người Nhật cũng như mang trong mình những triết lý cao đẹp, sâu sắc về cuộc sống: Sự thanh tao, nhẹ nhàng trong thẳm sâu mỗi người, sự gần gũi, giao cảm giữa thiên nhiên và con người… Qua món ăn, người Nhật muốn gửi gắm trong nó truyền thống ẩm thực lâu đời, khát vọng giao hòa, làm chủ thiên nhiên.

Người ta bảo ẩm thực Nhật được thưởng thức bằng mắt quả không quá chút nào. Chỉ cần nhìn vào cách bài trí tinh tế, khéo léo người ta đã biết được ngay đó là những món ăn của đất nước mặt trời mọc. Người Nhật luôn sáng tạo để tìm ra cách trưng bày món ăn một cách tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết màu sắc, hình dáng của món ăn và các loại chén đĩa trên bàn ăn. Trong đó, người Nhật có những quan niệm đặc trưng về ẩm thực như quan niệm “tam ngũ”: ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp. Cụ thể: Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Ngũ sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen.  Ngũ pháp có: sống, ninh, nướng, chiên và hấp.

Chính vì vậy, món ăn Nhật mang một vẻ đẹp toát lên từ đường nét cho đến cách phối màu. Chỉ cần nhìn màu sắc hài hòa, tươi tắn ấy chúng ta có thể cảm nhận được vị thanh thanh, tinh khiết bên trong. Những món ăn được chế biến nhỏ nhắn, xinh xắn, hương vị thanh tao, nhẹ nhàng không quá nồng đậm. Tuy vậy chúng lại có khả năng đánh thức giác quan người thưởng thức bởi tính thẩm mỹ cùng hương vị thơm ngon.

Không chỉ đẹp mắt, ngon miệng, món ăn Nhật còn đáp ứng được nhu cầu về sức khoẻ: ít béo, ít ngọt, và sử dụng nhiều các loại rau đậu và do đó chúng đang ngày càng được phổ biến khắp thế giới. Mùi vị các món ăn Nhật đơn giản hơn so với các món ăn của phương Tây, người Nhật muốn giữ lại nhiều nhất hương vị, màu sắc của thiên nhiên trong món ăn.

 

Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng bởi các món ăn truyền thống rất độc đáo khó có thể tìm thấy ở các quốc gia khác. Trong các món ăn truyền thống chính của người Nhật Bản ta không thể không nhắc đến hai món chính đó là Sushi và Sashimi. Đây không chỉ đơn thuần là hai món ăn mà nó còn chứa đựng cả một phần văn hóa Nhật Bản, vì vậy người ta coi sushi, sashimi… như là biểu tượng của ẩm thực xứ sở Phù Tang. Đây được xem như những món đem lại may mắn, hạnh phúc cho người thưởng thức. Đặc biệt, những ngày lễ truyền thống, Sushi xuất hiện trên bàn tiệc với đủ màu sắc, mùi vị.

Có tới hàng trăm món Sushi khác nhau với hàng trăm cách thức chế biến cầu kì và phức tạp. Sushi chính là món ăn giúp bạn có thể thưởng thức đầy đủ nhất sự tinh tế của nền văn hóa xứ Phù Tang.

 

Xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nên trong mỗi bữa ăn của người Nhật thì cơm được coi là thành phần chính. Bữa cơm người Nhật chủ yếu là cơm, cá, rau và có rất ít thịt trong thành phần ăn. Mỗi người bao giờ cũng có một bát cơm kèm với rau bina, củ cải hoặc dưa góp, rong biển sấy được dùng để cuộn cơm hoặc ăn không. Có thể ăn mì Udon và Soba để thay thế cơm hay Sushi. Món khai vị là sashimi và kết thúc bữa ăn là một tách trà xanh nóng hổi.

Trước khi ăn người Nhật thường nói: “Itadakimasu” – một câu nói lịch sự, nghĩa là “xin mời” nhằm nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn. Khi ăn xong, họ lại cảm ơn một lần nữa “Gochiso sama deshita” – cảm ơn vì bữa ăn ngon.

 

Không chỉ đơn thuần là món ăn, ẩm thực Nhật Bản mang những nét đẹp của văn hóa, tâm lý dân tộc, ước muốn gửi gắm trong đó truyền thống ẩm thực lâu đời, khát vọng giao hòa, làm chủ thiên nhiên… Chính những điều này đã để lại dư vị mạnh mẽ, ấn tượng  trong lòng người thưởng thức.

Theo monngonhanoi (Tổng hợp)