Bánh cao sằng ở thành phố Lạng Sơn từng nổi tiếng một thời, được người Hoa ưa chuộng. Nó có mặt nhiều nhất ở thành phố và các huyện lân cận nơi có nhiều người dân tộc Nùng sinh sống.
Nghe các cụ kể lại, ngày đó trên Lạng Sơn còn bóng giặc từ Trung Quốc tràn sang, chúng muốn đồng hóa dân ta về mọi mặt, mang những món ăn từ bên kia sang và bắt dân ta làm theo. Rồi dần dần các món ăn như khẩu si, bánh màn thầu…có mặt trên đất xứ Lạng và được người dân chế biến cho phù hợp với khẩu vị.
Còn có câu truyền nhau là nếu ghét nhau thì cứ nấu cho nhau ăn cao sằng, nếu cực ghét nhau thì hãy mời nhau. Cũng có lẽ như vậy nên giờ món ăn này còn có rất ít người làm. Nhưng cho dù thế nào thì cao sằng cũng là một món ăn thú vị và hấp dẫn, mang đầy đủ tinh hoa của sự kết hợp giữa ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Việt Nam.
Các bạn cũng có thể tự tay làm cao sằng, cách làm rất đơn giản. Đầu tiên chọn loại gạo tẻ hạt đều đem ngâm nước. Khi ngâm cho thêm một ít gạo nếp vào để tạo độ kết dính của bánh. Gạo ngâm xong rồi đem sát thành bột mịn, cho thêm ít bột lọc để tạo độ trong cho bánh. Tiếp đó cho ít nuớc vào nhào bột cho nhuyễn, không được để bột quá nhão.
Sau đó đổ bột vào khuôn, dàn đều cho mỏng và đem hấp cách thủy cho chín, khi bánh gần chín thì rưới nước thịt kho nuớc dừa đặc lên trên để tạo vị béo ngậy.
Bánh chín, có màu mật ong trong suốt, mềm, dẻo, dai là đạt yêu cầu, rắc lên mặt trên của bánh một lớp lạc rang đã giã, không nên giã quá nhỏ. Đợi bánh nguội thì xắt thành từng miếng hình chữ nhật bé như bao diêm, ăn kèm với nước chấm. Nuớc chấm không cần làm cầu kỳ, chỉ cần một ít giấm, đường, tương ớt, nước mắm, rau mùi nêm vừa đủ là đạt.
Bánh cao sằng chỉ hợp để ăn hương ăn hoa, như thế sẽ không bị ngán. Người Lạng Sơn thường chọn bánh này để ăn sáng. Những đĩa bánh dành cho thực khách thường không quá hai miếng và nửa bát nuớc chấm. Khi ăn đổ ngập nuớc chấm vào bánh thì sẽ ngon hơn.
Sưu tầm.