Tính thế đảo ngược
Mỹ là cái nôi của fast food bởi các thương hiệu đồ ăn nhanh như KFC, McDonald’s hay Pizza Hut đều được khai sinh tại đây. Với người Mỹ fast food như là một “đặc sản” và là một phần của lối sống Mỹ – nhanh gọn và hiệu quả. Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Mỹ, lối sống cùng thực đơn của người Mỹ cũng nhanh chóng được các quốc gia khác bắt chước. Họ cho rằng, sống như người Mỹ, ăn theo cách ăn nhanh của Mỹ chính là nền tảng để đạt được thành công như người Mỹ. Điều này lý giải tại sao khi fast food mới chân ướt chân ráo đặt chân đến những nước đang phát triển nó đã nghiễm nhiên lọt vào “top” và trở thành biểu trưng cho lối sống hiện đại, tiên tiến.
Tuy nhiên, khi mà fast food bắt đầu chiếm lĩnh những thị trường mới thì ít ai biết được rằng chính nơi nó sinh ra tình thế đã bị đảo ngược. Thực tế, ở Mỹ và các nước phát triển nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh đã phải đóng cửa vì ế ẩm. Sau một quãng thời gian khá dài người ta nhận ra rằng fast food tuy nhanh gọn, ngon miệng và giàu năng lượng nhưng chúng không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, ngày càng có nhiều những vụ kiện và chuyện bê bối xung quanh những thức ăn nhanh tiện lợi này. Tiêu biểu nhất là vụ kiện tốn rất nhiều giấy mực của báo giới giữa một nhóm teen Mỹ và hãng McDonald’s. Tiếp theo đó là hàng loạt những bộ phim hay cuốn sách khuyến cáo mọi người hạn chế ăn đồ ăn nhanh để sống khỏe… Tất cả những điều đó khiến tương lai của fast food đang dần đổi chiều.
Những “chiêu thức ” mới
Sau những phân tích chính đáng của giới truyền thông người ta nhận ra bản chất thật của đồ ăn nhanh. Cái lợi trước mắt no và nhanh không thể bù cho cái hại lâu dài là đủ các bệnh và những vấn đề sức khỏe. Điều này khiến rất nhiều người dù rất trung thành với fast food cũng phải e dè khi chọn thức ăn cho bản thân và gia đình.
Bị giới truyền thông, các chuyên gia sức khỏe “đập tơi tả” rồi đến rất nhiều khách hàng trung thành rời bỏ, các hãng đồ ăn nhanh muốn tồn tại đã phải đưa ra rất nhiều những chiêu thức mới.
Chiêu thức đầu tiên mà McDonald’s đưa ra nhằm lấy lại niềm tin với khách hàng là những động thái thể hiện trách nhiệm của mình đối với sức khỏe con người. Tiêu biểu là việc hãng này tích cực tài trợ cho các chương trình sinh hoạt cộng đồng hay các chương trình dinh dưỡng, sức khỏe. Các công ty fast food khác cũng đua nhau cho ra mắt những “bộ sưu tập” thức ăn đầy đủ dinh dưỡng với rau xanh, nước khoáng và hạn chế dầu mỡ…
Việc McDonald’s nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ hay tuổi teen cũng đem lại hiệu quả cao. Chiến dịch “28 ngày của Snoopy” tại Hồng Kông đã khiến giới trẻ phát cuồng khi họ đua nhau chăm chỉ ăn để thụ thập đủ bộ 28 Snoopy trong các hoạt động khác nhau.
Ảnh: uevf.net
Chiêu thức “nhập gia tùy tục” được hầu hết các hãng khai thác triệt để. Khi du nhấp vào Thái Lan, biểu tượng vui của McDonald’s dưới dạng kiểu chào truyền thống (chắp tay trước ngực) của người Thái. Điều này đã gây được thiện cảm của người dân nước này. Nó lý giải tại sao McDonald’s lại lấy lòng được đất nước này nhanh đến vậy.
Nhìn nhận công bằng fast food cũng chỉ là một dạng món ăn như bao món Nhật, Trung hay món Ý khác với đặc trưng nhiều calo, dầu mỡ và gây béo. Không ai có thể phủ nhận những mặt tích cực mà nó mang lại như tiện lợi, giúp con người có thêm thời gian cho những ngày dày đặc công việc. Song nếu quá lợi dụng và phụ thuộc thì chính nó lại đang góp phần phá hủy sức khỏe con người nhanh chóng. Chính vì vậy, khác với quan niệm cho rằng fast food luôn song hành với nhịp sống hiện đại thì có rất nhiều nguy cơ một ngày nào đó fast food sẽ dần mờ nhạt.
Theo monngonhanoi