Tỉnh táo với ma trận chảo chống dính, hộp nhựa diệt khuẩn

“Ma trận” chảo chống dính, hộp nhựa diệt khuẩn

Chị Ngọc Thương (ở quận 4, TPHCM) đắn đo lựa chọn hồi lâu trước hàng loạt loại chảo chống dính tại một siêu thị trong thành phố. Đủ loại cả, từ hàng sản xuất trong nước cho đến hàng nhập khẩu, với các kiểu chảo chống dính trơn, loại dát đá hoa cương, với nhiều tính năng. Hay có loại chảo giới thiệu được sơn phủ phun cát bao ngoài màu đen, bên trong sơn phủ 2 lớp chống dính có khả năng chịu nhiệt trên 500oC, phủ lớp marble có khả năng sát khuẩn, giá rất mềm chỉ với 75.000đ/cái.

Còn loại chảo sâu không dính siêu bền đá hoa cương chất liệu men, đá. Được làm từ nhôm nguyên chất 99% nhập khẩu từ Hàn Quốc, có 5 lớp phủ, và giá cũng chỉ hơn 300.000đ/cái… Không chỉ  ở các chợ, siêu thị, sản phẩm chảo chống dính còn được rao bán trên mạng với lời giới thiệu có tới 5 – 6 lớp chống dính, chống vi khuẩn, tiêu chuẩn công nghệ Hàn Quốc, sản xuất tại Việt Nam…

Chị Thương chỉ vào chiếc chảo chống dính (theo nhân viên bán hàng giới thiệu nhập từ Đức với giá gần 1 triệu đồng – PV) cho hay: Phải mua tới cái chảo chống dính thứ 3 về dùng mới có kinh nghiệm một chút, mấy cái trước cứ nghe quảng cáo giới thiệu là mua, về dùng được vài lần chiên rán là lớp chống dính cứ bong dần lúc nào không hay. Lúc mua thì đáy chảo bóng đen, sau thời gian sử dụng đáy chảo trơ ra lớp kim loại như những đáy nồi xong, chảo thường. Với loại chảo như vậy thì thức ăn chiên rán bị dính hơn là loại chảo thường, đôi khi cũng may rủi.

Còn chị Kim Nga (ở quận 5, TPHCM) cầm một chiếc chảo trên tay và liên tục xoa khắp đáy chảo, theo chị đây là một cách xem độ chống dính có thật không, nếu là giả thì lòng bàn tay sau khi xoa sẽ đen như màu đáy chảo, nếu tay không đen thì đúng là chống dính. Theo chị Nga, không chỉ chảo chống dính bị bong lớp chống dính nhanh mà nồi cơm điện cũng bị như vậy.

Mắt thường khó phân biệt

Theo TS Nguyễn Mạnh Tuấn, phó viện trưởng Viện Vật lý TPHCM, sản phẩm chống dính tốt phải hội tụ những yếu tố về nguyên liệu đúc, lớp tráng phủ chống dính, lớp sơn chống dính phải nhẵn bóng, sờ tay vào mịn màng, không có cảm giác bụi và cát, không ra màu. Loại sơn trong chảo chống dính này là teflon hoặc whitfort đã được kiểm định về độ an toàn cho thực phẩm.

Trong quá trình sản xuất nếu thiết bị hay công nghệ không đảm bảo sẽ phát sinh những chất có hại. Hiện tại trên thị trường xuất hiện loại chảo, hộp nhựa với giá khá rẻ chắc chắn không thể có chất lượng tốt vì với giá đó không đủ để mua nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.

Đại diện Công ty Happycook Việt Nam cho rằng, một số sản phẩm nhà bếp chất lượng không như giới thiệu là do cơ sở sản xuất đã “bớt xén” nguyên liệu để giảm giá thành nên độ chống dính kém. Loại chảo chống dính khó nhận biết được bằng mắt thường, mà chỉ qua thời gian sử dụng mới biết. Khi sử dụng, nên dùng vải mềm để chùi rửa, dùng thìa xúc bằng nhựa, gỗ chứ không nên dùng đồ inox và sử dụng chất tẩy rửa có nồng độ nhẹ.
TS Trần Ngọc Quyền, phòng Hóa hữu cơ polyme, Viện Công nghệ Hóa học cho hay, đối với loại chảo chống dính siêu bền đá hoa cương, nếu sản xuất đúng tiêu chuẩn thì phải dựa trên công nghệ cảm ứng nhiệt. Lớp hợp kim nhôm bên trong lòng chảo được phủ lớp mỏng đá hoa cương có tính kháng trầy xước và kháng dính cao.

Loại chảo này không dùng polymer polytetrafluoroethylene (PTFE) phủ bề mặt chống dính và không chứa thành phần nhũ hoá gây ung thư là perfluorooctanoat (PFOA) nên được cho là an toàn. Loại chảo chống dính mà chỉ sử dụng trong thời gian rất ngắn là bị bong tróc thường được bao phủ bằng polyme PTFE.

Đối với hộp nhựa, phủ nano bạc chống khuẩn cũng cần phải xem độ phủ bạc nhiều hay ít, có đảm bảo độ kháng khuẩn hay không, nếu lượng nano bạc ít thì không có tác dụng mà chỉ quảng cáo đánh vào tâm lý người mua. Nano bạc tính bền vững cơ học kém, dùng lâu hoặc dùng đựng thức ăn mặn, có tính axit, để lâu trong hộp sẽ oxy hóa.

Loại sản phẩm nhà bếp khác có tráng phủ bề mặt bằng sứ men (sắt tráng men, nhôm bọc sứ) thì nhìn chung không gây ảnh hưởng sức khoẻ nếu không sử dụng các bột màu vô cơ trong quá trình trang trí.

Đa số các bột màu cô cơ có nguồn gốc từ các kim loại độc hại như cadmium, chì, chrom hoặc cobalt… Những nguyên tố này không chỉ độc hại với sức khoẻ con người mà còn gây ô nhiễm môi trường. PGS.TS Hồ Sơn Lâm, nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (TPHCM) thì cho rằng, các dụng cụ nhà bếp như xoong nồi, chảo… trước đây được sản xuất từ nhôm, đồng hay sắt tráng men.

Nhìn chung, nhiệt độ bề mặt tiếp xúc với nguyên liệu, thường chỉ cao hơn 1000C. Khi nấu trong môi trường nhiệt độ cao hơn, có khi đến 3000C bắt đầu có sự phân hủy dầu mỡ tạo nên các gốc tự do có tính oxy hóa cao, gây hại cho sức khoẻ như kích thích sự hình thành các khối u.

Theo Bee