Cá chép và ngày Tết ông Công ông Táo

23 tháng Chạp hàng năm là ngày Tết ông Công ông Táo. Đây là thời điểm phố phường nhộn nhịp, đông đúc và xôn xao bàn luận. Người dân tấp nập mua sắm, họ “kháo nhau” về giá cả, sự đa dạng cũng như chất lượng của hàng hóa, nào là đồ ăn thức uống, đèn lồng, giấy màu xanh đỏ, vàng mã trông rất bắt mắt và đặc biệt là cá chép.

Theo như người xưa kể lại, dù không biết chính xác ý nghĩa sự xuất hiện của cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo, nhưng với họ hình ảnh của loài vật này đã trở thành linh hồn và biểu tượng để họ gửi gắm sự tôn thờ, thành tâm đến thần linh, trời đất.

Ngày trước, với người dân Bắc Bộ dù gia đình khá giả hay nhà nông cơ hàn thì trên mâm cỗ cúng ngày Tết ông Công ông Táo không thể thiếu nồi cá chép kho, rán, thậm chí làm gỏi để thắp hương. Và một lí giải cho việc người dân chọn cá chép làm nguyên liệu cho các món ăn chứa đựng nhiều ý nghĩa như vậy mà tất cả các món cá khác đều không có được bởi vì theo tiếng Hán, tên chữ của cá chép là “Lý Ngư”, sau đó bị đọc lệch ra là “Lý Dư”. “Lý” là đương nhiên, lẽ phải; “Dư” là đầy đủ, dư thừa. Chính vì lẽ đó mà thông qua món ăn được chế biến từ cá chép, người nông dân xưa vốn quanh năm ruộng vườn lo từng miếng cơm manh áo đã gửi gắm niềm tin vào năm mới cuộc sống sẽ no đủ hơn, may mắn hơn.

Dường như ý nghĩa đó đã theo người dân Việt cho đến ngày nay. Nhưng khi đối mặt với cuộc sống tất bật, phát triển đến chóng mặt khiến cho quỹ thời gian của con người trở nên hạn hẹp. Và kéo theo đó là sự “biến tấu” của các nghi lễ. Việc chế biến các món ăn từ cá chép để thờ cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp đã không còn, thay vào đó là sự “nhanh và tiện”.

Ban đầu là sự biến hóa từ con cá chép nấu chín thành các món ăn thơm ngon đặt trên mâm cỗ cúng đến cá chép sống được người dân mua về thả vào chậu nước sạch, sau khi làm lễ xong sẽ mang cá chép đó ra ao, hồ hoặc sông suối để thả và giờ đây “chuyển thể” sang cá giấy để đốt hóa vàng.

Trong không khí của ngày Tết ông Công ông Táo đang đến rất gần, chúng ta không còn xa lạ hay bất ngờ khi bắt gặp trên khắp phố phường Hà Nội, đặc biệt là Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, Hàng Bè hay chợ Hôm… ngập tràn những “chú” cá chép bằng giấy “tươi rói”. Và thấp thoáng tại các chợ, các bà các mẹ vẫn tranh thủ thời gian tỉ mỉ lựa chọn cho được một “chú” cá chép ưng ý nhất cho ngày Tết 23 này.

Một cách giản tiện hóa tập tục cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, giờ đây con cá chép để ông Công, ông Táo cưỡi về trời được họ biến từ tươi sống thành giấy để hoá vàng. Và, liệu rằng mỗi chúng ta có bao giờ tự hỏi, có nên chăng chạy theo “cỗ máy” hiện đại của cuộc sống và biến tấu đi những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông ta đã lưu giữ ngàn đời?

Theo monngonhanoi