Thành lập gần một năm, nhóm sinh viên tình nguyện này đã tiếp xúc với hàng trăm du khách quốc tế, và tạo ra thương hiệu cho nhóm gắn liền với bữa cơm gia đình.
Theo trưởng nhóm Phương Linh, người Việt vốn có đời sống cộng đồng và nền văn hóa nông nghiệp lúa nước nên bữa cơm gia đình là nét đặc trưng văn hóa. Trong đó chất liệu tạo nên những bữa cơm gia đình là những món ăn dân dã “made in VN”. Đó là rau muống luộc chấm nước mắm, canh rau, canh chua cá lóc… vừa ngon vừa rẻ. Khách đến và họ cùng với các hướng dẫn viên – thành viên của Saigon Hotpot đi chợ, về nhà chế biến rồi cùng dọn ra ăn chung trong không khí ấm cúng…
Đó là qui trình cho một bữa ăn gia đình đậm tính cộng đồng trong văn hóa Việt. Với ý nghĩa và tính hiệu quả ấy mà tour nào các bạn cũng dành thời gian tổ chức cho du khách một “bữa cơm gia đình” ấm áp, đầy tình cảm mà khi đi nhiều vị khách đã phải thốt lên: “Các bạn thật tuyệt, tình cảm của người Việt thật đáng quí…”.
Từ gợi ý của ông Philip Kotler và ý tưởng trên của Saigon Hotpot, tôi nghĩ món ăn Việt khi được kết hợp với tình cảm Việt như bữa cơm gia đình sẽ tạo nên một thương hiệu không chỉ về thức ăn mà còn cả về con người VN chân chất, tình cảm, mến khách. Tôi cũng đồng suy nghĩ như các bạn trong nhóm Saigon Hotpot rằng người nước ngoài đã thưởng thức nhiều cao lương mỹ vị, nên với những món ăn dân dã Việt trong không khí ấm tình giữa những người Việt thân thiện thì họ sẽ thích thú hơn.
Nhất là trong thời buổi con người lao vào công việc nhiều khi thiếu những bữa cơm gia đình như hiện nay, thì “bữa cơm gia đình và món ăn VN” sẽ rất ấm cúng và ấn tượng.
Theo monngonhanoi