Bánh tôm và tấm lòng bà chủ

Món bánh tôm Bà Phúc.

Tôi đến quán này chỉ để tìm việc làm cho người bạn. Quán nằm trong con đường kiệt rộng chừng 4m, đón khách đã hơn 20 năm nay.

Vừa vào quán, tôi đã thấy lòng dễ chịu lạ lùng vì giọng ca mượt mà, trong trẻo của người phụ nữ đất Bắc, dù tóc đã pha sương. Bà ca bài Huyền thoại hồ Núi Cốc, bài Về quê,… hay đến mức làm vài thực khách và cả tôi nữa phải ngỡ ngàng. Nhà hàng có lẽ chỉ cần tiếng hát của bà nên chẳng thấy mở nhạc du dương làm gì nữa.

Qua câu chuyện tâm sự với bà, tôi được biết, năm 2008, nhà hàng bánh tôm bà Phúc được trao tặng 3 cúp vàng. Trong đó có 2 cúp vàng (Bàn tay vàng và Thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng) và 1 siêu cúp (Thương hiệu nổi tiếng vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe và phát triển cộng đồng). Tấm biển để trước cửa và vài tấm ảnh chụp ngày nhận giải bài trí trên tường đã để lộ thêm niềm tự hào lớn lao của bà chủ. Viết về những món ngon của bà, nhiều người đã không ngần ngại trân trọng giới thiệu nhà hàng của bà như là một điểm đến không thể thiếu của thực khách khi thăm đất Đà thành.

Chúng tôi được bà hào phóng mời món khai vị – sữa chua (loại sữa chua thanh ngọt, trắng mịn nhờ không dùng chất hãm lên men và đôi bàn tay pha chế tài tình) cùng với món đặc sản – bánh tôm của nhà hàng. Tâm sự của bà đã vẽ ra trước mắt tôi một tấm lòng, một đạo đức kinh doanh thật sự…

Kinh doanh đối với bà, lợi nhuận không phải là mục đích tối hậu. Yêu thích nấu nướng và tìm tòi phương cách chế biến, tự tay bà nấu các món ăn của nhà hàng hoặc hướng dẫn “cầm tay chỉ việc cho nhân viên những khâu phụ bếp. Kinh doanh với bà là sự yêu lao động, yêu nghề hết mực. Nhà hàng được bài trí gọn gàng, lịch thiệp với những chiếc ghế mây và khăn trải bàn tươm tất. Hài lòng chủ, khách đến nhà hàng của bà không phải để ăn mà để thưởng thức, không có hiện tượng nhậu nhặt, say xỉn, ồn ào ở đây.

Điều làm tôi khâm phục ở bà là ý nghĩ rằng, muốn nhà hàng có lượng khách ổn định để xếp lương của nhân viên đạt mức từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Đó chưa phải là mức lương cao nhưng cũng là con số mơ ước của nhiều người phục vụ trong nghề này.

Đã ở tuổi 64, bà vẫn chưa truyền bí quyết cho ai, kể cả con cháu của bà bởi một lý do là chưa đến lúc/ chưa ai theo đúng tinh thần kinh doanh của bà. Đó là nỗi trăn trở về đạo đức kinh doanh của bà. Một là, kinh doanh nhưng trước hết không bị lợi nhuận làm cho mờ mắt, chỉ chạy theo lợi nhuận mà xem thường sức khỏe của khách hay uy tín của nhà hàng mà bà đã dày công gầy dựng. Thứ nữa, thái độ đối với nhân viên phục vụ phải xem như người trong nhà. Quan hệ chủ – người giúp việc là quan hệ thân mật và được tạo mọi điều kiện để họ có được giờ làm phù hợp, có được thu nhập trang trải cho cuộc sống. Nhà hàng của bà luân chuyển tầm 5-6 nhân viên phục vụ thường xuyên. Cách tổ chức, quản lý nhân viên cho thấy bà là con người biết cách làm ăn và thưởng phạt công minh nhưng không thiếu tình người. Nhân viên của bà có chị vợ anh bộ đội làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều để hợp với giờ đưa đón con đi học; có em sinh viên làm thêm từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm để tận dụng thời gian rảnh rỗi ngoài giờ học ở trường; có chị phụ việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa để chiều tối có thể bán hàng thêm để tăng thu nhập,… Có thể nói, không cần là hoạt động từ thiện, những việc bà làm cho nhân viên của mình đã là phúc, là sự cưu mang những mảnh đời khổ nhọc quanh mình.

Bà tâm sự: Lợi nhuận thu được người ta có thể trích cho nhân viên ¼ nhưng bà chi ½; người ta lời 10, mình có thể chỉ lời 7 nhưng vẫn bảo đảm trả lương cho nhân viên gia tăng 200 – 400 theo mức độ thạo việc của người làm với mức lương khởi đầu là 2 triệu/tháng. Và theo bà, 3 – 4 triệu không làm mình nghèo đi nhưng có 500.000-700.000 đồng để thêm vào số tiền hằng tháng của người làm công ăn lương thật có ý nghĩa.

Bà cho đi để được nhận về phần thưởng vô giá của tấm lòng đôn hậu. Khách đến với bà lần đầu, sẽ có đến lần sau và lần sau bao giờ họ cũng đi cùng với nhiều người khác!

Sưu tầm.