Nếu phía Bắc, bánh chưng là lễ vật không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết thì ở phía Nam từ miền Trung trở vào mọi người đều xem bánh tét là loại bánh không thể thiếu ở mỗi nhà. Người Nam Bộ dù năm đó có khó khăn vất vả đến mấy ngày cuối năm vẫn gói năm bảy đòn bánh trước là biếu cha mẹ, anh em, hàng xóm láng giềng sau là bày lên mâm cúng giao thừa và ông bà tổ tiên.
Thường thì ngày tết có 30 người mẹ người chị trong gia đình đã lo gói bánh vào ngày 29 để kịp có bánh rước ông bà ngày 30, nếu năm đó chỉ có ngày 29 thì 28 đã làm. Gạo nếp gói bánh thì chuẩn bị cả tuần trước đó, lá chuối cũng róc phơi sẵn cho héo, dây lạt thì tước từ thân chuối tươi. Nhân bánh có thể ngọt hoặc mặn tùy theo ý thích của gia đình như chuối chín, đậu và thịt mỡ hoặc chay. Ngày gói bánh từ sáng sớm mọi người đã chia nhau công việc của mình, người khéo tay nhất sẽ lo việc xào nếp, làm nhân, những người còn lại kẻ lau lá, xé lạt, người chuẩn bị nồi nước thật to để nấu bánh. Có thể nói hôm ấy là ngày vui nhất trong nhà vì mọi người quây quần bên nhau trò chuyện rôm rả.
Bánh gói xong đòn nào sẽ chuyền tay cho người canh giữ nồi nước. Khâu cuối cùng này rất quan trọng, nếu nước ít không sấp mặt bánh lửa không đều, nếp sẽ nín coi như mẻ bánh hỏng và theo quan niệm dân gian thì năm mới nhà ấy lận đận, kém may mắn. Đòn nào đẹp, gói khéo sẽ dành biếu cha mẹ và cúng ông bà. Theo bí quyết từ xưa thì bánh sau khi nhấc từ nồi ra sẽ cho ngay vào thau nước lạnh để bánh nguội và xanh lá, tiếp đến ép cho bớt nước và treo ngay vào chỗ thoáng mát cho bánh dẽ lại. Những đòn bánh ngon như thế sẽ để được cả tuần lễ bên ngoài mà không hư.
Theo tục xã giao từ xưa của người Việt thì nhà nào cũng biếu nhau cặp bánh cho đẹp lòng, ngày mồng một tấm bánh cắt ra khéo léo, thơm ngon cả nhà đều vui, năm mới tràn đầy hạnh phúc. Ngày trước năm nào nhà ai cũng gói bánh nhưng theo thời gian thói quen này giản lược đi, người ta chọn đặt mua từ những hàng gói bánh khéo để biếu tặng nhau.
Trong ba ngày tết bánh tét trở thành món ăn chủ lực thay cơm, chỉ cần dĩa dưa món, kiệu, rau muống ngâm chua ngọt, vài khoanh bánh tét và dĩa thịt kho hột vịt đã thành bữa ăn ngon miệng. Hết ba ngày tết ngán vị nếp nấu dẻo ngậy, bà nội trợ sẽ chuyển sang món bánh tét chiên nóng giòn cũng hấp dẫn không kém. Cứ thế hết tết, bánh tét hoàn thành sứ mệnh của mình một cách vui tươi, đầm ấm bên mâm cúng ông bà, bữa cơm gia đình. Vì thế mà từ bao năm qua người miền Nam dù cho có thế nào đi nữa vẫn không bao giờ quên hương vị bánh tét trong những ngày trọng đại đầu năm.
Theo touristvina.com