Vòng quanh 36 phố phường Hà Nội và sà vào những gánh hàng rong ven đường, thưởng thức món ngon xưa và nay của Hà Nội là cái “thú” của tôi và cô bạn cùng công ty. Là người gốc Hà Nội lại có “tâm hồn ăn uống”, cô bạn tôi “thuộc” từng ngõ ngách nhỏ nhất ở đây cũng như địa điểm có các món ngon trên đất Hà thành. Tin tưởng vào sự tinh tế trong ẩm thực của cô bạn mình, chỉ cần cô đề xuất địa điểm cũng như món ăn nào là tôi “ok” liền. Thế nhưng, duy chỉ có món bánh đúc, cứ mỗi lần cô bạn tôi nhắc đến tên là tôi gạt ngay đi: “Bánh đúc có gì mà ngon, ăn món gì của Hà Nội đi, bánh đúc chị ăn suốt mười mấy năm trời đến nỗi nghe nhắc tên đã thấy chán ngấy rồi”.
Những ngày cuối năm cùng với các đợt gió mùa hối hả tràn về, ngày chủ nhật buồn lang thang trên con phố nhỏ của Hà Nội, chợt cô bạn tôi reo lên như phát hiện ra được điều gì mới mẻ: Trời lạnh thế này mà đưa từng thìa bánh đúc nóng hổi, thơm lừng mùi hành phi thì thích quá! Cũng như những lần khác, vừa nghe thấy hai từ “bánh đúc” là tôi lại giẫy nẩy lên. Không hiểu có phải vì thoáng nhìn nét mặt buồn buồn của cô bạn hay vì những cơn gió cuối đông lạnh lẽo táp vào mặt mà lần này tôi lại đồng ý. Cô bạn tôi tiết lộ, ở Hà Nội, nói đến bánh đúc thịt thì người ta nhớ ngay đến con phố Lê Ngọc Hân. Tuy nhiên, em còn biết nơi “ngon, bổ, rẻ” không kém…
Hai chị em bước vào quán nhỏ gần chợ 8/3 – đường Kim Ngưu, thấy cô bạn ngồi cố để hít hà mùi thơm trong gió, tôi cũng thử xem thế nào! Một mùi gì đó rất khó hình dung trong tôi, chỉ cảm nhận được cái gì dẻo quánh, thơm dịu nhưng lại nồng nàn cứ phảng phất, luẩn quẩn trong những cơn gió vô tình mùa đông như trêu ngươi. Cô bạn tôi cười bí hiểm, yêu cầu tôi đoán thử là mùi thơm của món gì. Thay vì trả lời, tôi cứ mê mải cùng những cơn gió lạ.
Thật bất ngờ khi trước mặt là món ăn nóng hổi, bốc hơi nghi ngút và ngào ngạt hương thơm mà tôi muốn kiếm tìm từ nãy giờ. Trong chiếc bát nhỏ nhắn đó, những ngọn rau mùi và lát hành khô phi vàng rộm nổi bật trên khối bánh dẻo quánh đang sóng sánh trong lớp nước chan đặc biệt. Chẳng giống với bánh đúc quê tôi, đó là những miếng tròn có mầu trắng ngà điểm thêm mấy hạt lạc – món quà dân dã dành cho những đứa trẻ nghèo như tôi.
Ngẫm cũng thấy đúng khi người ta nói, người Hà Nội vốn sành ăn, chính vì thế họ tinh tế trong cách kết hợp các nguyên liệu để tạo nên những món ăn vừa quen, vừa lạ, vừa dân dã nhưng cũng không kém phần thanh tao. Mà họ cũng khéo nghĩ ra món bánh đúc thịt thật “hợp” với tiết trời đông. Bát bánh đúc thịt múc ra, nóng hôi hổi với hương thơm dịu ngọt mà thảnh thơi ngồi xì xụp trong những ngày đông se sắt thì ngon phải biết.
Vài cọng rau mùi ta, một nhúm lạc rang giòn, giã nhỏ, chút hành khô phi cháy cạnh trộn lẫn trong bát bánh đúc có nước chan sóng sánh, thế đã đủ để cô bạn tôi thòm thèm mỗi khi những cơn gió mùa bất chợt ùa về. Miếng bánh trôi tuột xuống cổ họng nhưng hương thơm món ăn cứ vấn vít trên đầu lưỡi… Hóa ra, ngoài bánh đúc khô, món ăn dân dã ấy còn được biến tấu theo cách thức độc đáo này. Mà phải ăn thế mới thấy sự phong phú của hương vị, mới thấy sự nóng sốt là cần thiết trong tiết trời lạnh buốt.
Phải chăng cái vị ngọt ngào, bùi thơm đặc trưng của món bánh đúc thịt giúp người ta xua đi cảm giác lạnh lẽo, khô hanh nơi phố phường Hà Nội đông đúc, chật chội…. Thế mới hay, đời cũng có nhiều điều nhỏ bé mà thi vị, một món ngon đường phố cũng đủ sức lay động, gợi nên những cảm xúc bâng lâng, đánh thức kí ức ta về những ngày thơ bé…
+ Số 8 Lê Ngọc Hân, Hà Nội.
+ Ngõ Xã Đàn 2, phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội.
Giá bánh đúc thịt dao động từ: 2000 – 3000đ/ suất
MonngonHanoi.com