Bánh đa cua gánh giữa phổ cổ Hà thành

Nếu đi qua phố Hàng Cá vào tầm chiều bạn sẽ thấy một gánh hàng nằm gọn trong vỉa hè của Đình Hàng Cá (27 Hàng Cá) với hai đầu quang gánh, một bên là nồi nước dùng đặt trên 1 chiếc bếp than nhỏ, một bên là 1 chiếc thúng để các đồ gia vị và rau, xung quanh là mấy chiếc ghế đẩu nhỏ xinh. Chủ hàng là một người phụ nữ đôn hậu, nhìn cô toát ra vẻ tần tảo, lam lũ, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.

Chỉ một loáng, bàn tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn của cô đã làm xong một bát bánh đa thơm phức, nóng hổi. Cảm giác được tận mắt chiêm ngưỡng cách chế biến món ăn quả thật rất thú vị. Một ít giá đỗ, một ít bánh đa, một ít rau muống, chả cá với giò hay đậu được đặt vào bát rồi chan nước dùng đang sôi sùng sục trong nồi nghi ngút khói khiến tôi thấy hấp dẫn vô cùng.

Bưng bát bánh đa hít hà cho căng lồng ngực cái mùi thơm nóng hổi cho ấm người rồi xì xụp thưởng thức cái vị ngon ngọt, chua chua và hơi cay re re đầu lưỡi như một chất xúc tác tạo cảm giác thích thú trong tiết trời se lạnh đầu đông. Cũng chính bởi vậy mà khách đến ăn bánh đa cua rất đông, xe đến xe đi tấp nập, phải chăng hương vị món ăn dân dã này đã níu chân thực khách khiến họ ăn một lần lại muốn đến lần sau nữa.

Những du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam đều có cảm nhận đẹp bởi hình ảnh một đất nước thân thương và bình dị qua những gánh hàng rong trên phố. Họ phải nán lại nhìn và chụp cho bằng được một bức ảnh của gánh hàng bánh đa cua để khi trở về khoe với bạn bè.

Phố phường tấp nập trong cái chớm lạnh đầu đông, thu mình lại một chút trong góc nhỏ của gánh hàng bánh đa cua cũng thật thú vị. Giữa bao nhà hàng lớn và sang trọng, những gánh hàng vỉa hè vẫn có chỗ đứng của nó. Những gánh hàng rong đã trở thành một nét đẹp riêng, bình dị mà độc đáo của ẩm thực Hà Nội.

Theo monngonhanoi