Bản hợp tấu của gia vị

Trong văn hoá ẩm thực của dân tộc ta, gia vị luôn đóng vài trong quan trọng trong các món ăn. Nó làm cho món ăn trở nên hấp dẫn, ấn tượng với người thưởng thức. Một chút hạt tiêu, vài củ hành, củ tỏi, mấy cọng rau thơm, thêm lát gừng trong bát nước mắm…chỉ thế thôi mà có biết bao cách kết hợp, sử dụng. Sự thú vị, phong phú của gia vị vẫn đang chờ đợi sự khám phá của người đầu bếp.

Gia vị là thứ nguyên liệu vô cùng cần thiết và không thể thiếu để chế biến bất kỳ món ăn nào. Chúng được dùng để giữ hoặc khử mùi, tạo thẩm mỹ cho món ăn… Không thể thiếu trong các món ăn tại gia đình hay nhà hàng khách sạn, gia vị là yếu tố quyết định khẩu vị, phong cách ẩm thực vùng miền. Ngoài ra đây còn là một loại thực phẩm chức năng giúp con người phòng và chữa rất nhiều bệnh.

Từ tiêu, hành, tỏi, ớt… người xưa khéo làm nên những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Sự kết hợp giữa các loại gia vị khác nhau lại cho ra một hương vị đặc trưng mới lạ. Chỉ riêng với nước mắm, người nội trợ cũng đã biến tấu thành hàng chục món chấm độc đáo để ăn kèm với những món khác nhau như nước mắm ớt, mắm tỏi, mắm giấm, từ mắm chanh, mắm gừng, mắm me, mắm sả… cho đến nuớc mắm sả – đậu phộng – cốt dừa, mắm nêm, mắm tôm… Tất cả đều được chế biến một cách công phu với những gia giảm nhất định tạo nên một mùi vị đặc trưng.

Món ăn của người Việt là sự dung hợp của rất nhiều yếu tố. Đó chính là nét tinh tế mà ông cha ta ngàn đời đúc kết. Bữa ăn phải hội tụ đủ thực vật và động vật, món mặn, món xào… Để có những món ăn kể trên, gia vị có một vị trí quan trọng. Thoạt đầu là sự cảm nhận thay đổi trên đầu lưỡi về sau là sự hài hoà về hương vị và đủ đầy dinh dưỡng. Thưởng thức các món ngon dân dã mà không có chút tiêu xanh để xuýt xoa hoặc trái ớt làm tê tê đầu lưỡi thì bữa tiệc của vị giác chẳng còn ý nghĩa gì. Rồi nào mùi thơm dìu dịu của hành, mùi hăng hắc của tỏi và hương vị của rau rừng. Tất cả những thứ đó khi hoà quyện vào nhau sẽ tạo thành một bản “hợp tấu” tuyệt vời của hương đồng cỏ nội.

Gia vị còn thể hiện triết lý âm dương của người Việt. Để tạo nên món ăn có sự cân bằng âm dương, ông cha ta đã chia ra làm năm nhóm thực phẩm tương ứng với: hàn, nhiệt, ôn, lương, bình. Do đó, gừng, tiêu (dương) thường nấu kèm với những món ăn có tính hàn … Ớt (dương) dùng chung với các loài thuỷ sản (hàn)… Rau răm (dương) ăn chung với trứng vịt lộn (hàn). Dưa hấu (âm) ăn kèm với muối (dương). Chén nước chấm dung hoà đủ năm vị (ngũ hành) mặn, đắng, chua, cay, ngọt. Vì thế, khi bị cảm lạnh (âm) phải ăn cháo gừng với lá tía tô. Còn khi bị cảm nắng (dương) thì lại ăn cháo hành (âm). Đó không đơn thuần là những kinh nghiệm truyền đời mà còn có cơ sở khoa học.

Theo monngonhanoi