Ba món khoai mỳ dễ gây nghiền

Có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Mỹ La Tinh, được trồng cách đây khoảng 5.000 năm nhưng mãi tới giữa thế kỷ 18 – đầu 19, cây khoai mì mới được du nhập vào Việt Nam. Cây khoai mì là cách gọi của người miền Nam còn người miền Bắc và miền Trung gọi là cây sắn. Cây khoai mì cao từ 2-3m, có nhánh. Thân có nhiều mắt. Lá khía thành nhiều thùy. Rễ ngang phát triển thành củ và tích lũy tinh bột tại đó.

Trong khoai có nhiều chất khô, tinh bột, protein, chất béo, chất xơ, tro… Khoai có nhiều công dụng trong đời sống. Ngoài việc cung cấp nguồn thực phẩm cho con người thì khoai mì còn được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp, làm thực phẩm cho gia súc. Củ khoai mì có thể dùng khi còn tươi, hay phơi khô đều được. Nếu để tươi thì có thể luộc, hấp, làm bánh, hay nấu chè. Còn nếu phơi khô thì có thể nghiền thành bột, làm hồ vải, hồ giấy, làm bún, miến, bánh tráng, bột trân châu… Ngoài củ, nhiều người vẫn tận dụng tất cả các bộ phận của khoai mì để phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày. Thân khoai vừa dùng để làm giống, đun củi, nuôi nấm hay làm nguyên liệu cho công nghiệp xenlulo. Tùy loại, lá khoai mì ngọt là loại rau xanh giàu đạm rất bổ dưỡng. Vì thế mà ở nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng lá để nuôi tằm, nuôi cá. Còn loại lá đắng hơn thì được sử dụng để ủ chua hay phơi khô làm bột cho các loại gia súc, gia cầm. Ở một số tỉnh phía Bắc, người ta còn dùng lá khoai mì để muối, xào hay nấu canh với các loại tôm tép, ăn cũng rất ngon miệng. Mặc dù lá khoai mì có chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng lại chứa một hàm lượng đáng kể độc tố (HCN). Nếu ăn qua nhiều sẽ gây ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe. Riêng phần củ, trước khi chế biến phải gọt sạch lớp vỏ bên ngoài, ngâm với nước 3-4 tiếng đồng hồ hoặc để qua đêm sau đó mới mang đi luộc hoặc mài. Trong quá trình luộc phải cho nhiều nước và mở nắp để hạn chế các độc tố trong khoai.

Khoai mì thường được sử dụng phổ biến trong các món ăn chơi. Phổ biến vẫn là bánh nướng, hấp mỡ hành, nấu chè… Với người miền Trung, vào mùa khoai, người ta thường chọn những loại củ lớn, ít xơ mang đi mài mịn, lọc lấy nước cốt sau đó trộn đều với đậu phộng rang, mật mía, gói lại bằng lá chuối rồi mang đi hấp. Món bánh ăn có vị bùi bùi, ngọt ngọt rất ngon miệng.

Khoai mì hấp mỡ hành

Nguyên liệu

Khoai mì: 600g
Dừa nạo: 200g
80ml nước cốt dừa, 50g hành lá, 2 thìa súp dầu ăn

Cách làm

– Khoai mì gọt vỏ, rửa sạch, xắt khúc tròn lớn. Cho khoai mì vào chõ hấp chín, khi khoai gần chín, rưới nước cốt dừa lên, hấp tiếp khoảng 5 phút nữa

– Lấy khoai mì ra, cắt thành từng khúc dài khoảng 5cm

– Hành lá rửa sạch, băm nhỏ. Làm nóng dầu ăn, cho hành lá vào chảo phi thơm để làm mỡ hành

– Cho khoai ra đĩa, rắc dừa nạo, mỡ hành lên trên. Tùy khẩu vị có thể thêm đường hoặc ăn kèm muối đậu phộng.

Khoai mì nướng

Nguyên liệu

Khoai mì: 1kg
Đường trắng: 300g
2 thìa súp nước cốt dừa, 2 thìa súp mè rang vàng

Cách làm

– Khoai mì gọt vỏ, ngâm nước khoảng 15 phút, rửa sạch, để ráo. Cắt khoai mì thành từng khúc vừa khoảng 10cm, cho vào xửng hấp chín

– Để nguội khoai mì sau đó tách bỏ phần lõi bên giữ, dùng thìa bản lớn tán khoai cho mịn. Cho đường, nước cốt dừa vào trộn đều

– Lấy một ít khoai cho vào khuôn tròn, nén cho chắc. Cho khoai mì vào khay cạn, cho vào lò vi sóng hoặc nướng trên bếp than cho khoai vàng sém mặt là được, khi ăn rắc mè lên.

Chè khoai mì

Nguyên liệu

Khoai mì: 600g
Đường trắng: 100g
50g lá dứa, 300g dừa nạo, 1 ống vani

Cách làm

– Khoai mì gọt sạch vỏ, ngâm nước lạnh trong khoảng 15 phút cho sạch mủ, vớt để ráo. Hấp khoai mì cho chín đều, xắt thành từng miếng vừa ăn. Lá dứa rửa sạch. Cho dừa nạo vào khoảng 300ml nước nóng, vắt lấy nước cốt

– Cho nước dừa, lá dứa, đường vào nồi đun sôi. Cho khoai mì vào nấu thêm khoảng 5 phút nữa. Tắt bếp, cho vani vào, quậy đều

– Múc chè khoai mì ra chén. Dùng nóng, lạnh tùy ý.

Sưu tầm.