Ăn kiêng có giải độc, giảm cân?

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:

Coi chừng giảm cả sức khoẻ!

Đầu tiên, cần xác định mục đích ăn kiêng là gì: giảm cân hay giải độc?

Nếu mục đích là giảm cân thì phải xem có thật sự thừa cân hoặc béo phì trước đã. Có thể dùng chỉ số khối cơ thể (BMI: cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m)) để xác định: trên 23 là có khuynh hướng thừa cân, trên 25 là đã thừa cân và trên 30 là béo phì. Khi đó, việc giảm cân mới cần thiết và phải bằng phương pháp ăn kiêng khoa học kết hợp với tập luyện thể lực và thường xuyên vận động. Khi đó, cân nặng giảm đi do giảm khối mỡ chứ không phải khối cơ. Còn giảm cân bằng cách nhịn ăn như trên thì sẽ giảm cả khối cơ và khối mỡ; sau thời gian nhịn ăn, rất dễ tăng cân và tăng mỡ chứ không tăng khối cơ.

Hơn nữa, nhịn ăn như vậy sẽ làm cơ thể thiếu cả các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin (đặc biệt vitamin tan trong nước như vitamin C, vitamin nhóm B là các vitamin không dự trữ nhiều trong cơ thể), chất khoáng (canxi, phospho, magne), các vi chất (sắt, kẽm…) Như vậy, việc giảm cân sẽ kéo theo giảm cả sức khoẻ!

Nước mía pha muối và ớt bột: chưa có công trình khoa học nào kiểm chứng hiệu quả giải độc của loại nước này. Ảnh: Hồng Thái

Nếu ăn kiêng để giải độc thì nên dùng thực phẩm tự nhiên và tinh khiết để không làm nặng gánh cho các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là gan và thận. Thông thường, người ta có thể kiêng thịt, cá và chọn ăn thực phẩm hữu cơ (không có thuốc trừ sâu và phân bón hoá học), thực phẩm không qua chế biến công nghiệp (chọn các loại ngũ cốc, hạt…), kết hợp ăn rau và trái cây, uống nhiều nước (khoảng 2 lít) mỗi ngày.

Việc ăn kiêng này thường được thực hiện ở nơi yên tĩnh, không gian thoáng, gần với thiên nhiên để thư giãn, kết hợp hít thở. Đối với cách ăn kiêng nghiêm ngặt (nhịn ăn hoàn toàn), phải được thầy thuốc theo dõi sát sao để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh những phương pháp ăn kiêng giải độc này có lợi cho sức khoẻ, mà chỉ nghe qua kinh nghiệm.

Cách ăn kiêng nói trên, theo tôi là phản khoa học. Nước biển được dùng phải phân tích rõ là loại nào. Nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) thường chỉ dùng để rửa bên ngoài (làm sạch vết thương, nhỏ mắt, rửa mũi…) hoặc truyền tĩnh mạch (loại tinh khiết hơn) dùng để bù dịch chứ không dùng để uống. Nếu đây là nước biển khơi thì lại càng không thể uống vì sẽ làm mất nước của cơ thể do nước biển mặn rất ưu trương. Nước mía cung cấp chất đường nhưng sẽ hấp thu rất nhanh vào máu làm mức đường trong máu tăng nhanh rồi sau đó giảm cũng nhanh, nên không giữ được đường huyết ổn định. Việc pha tí muối và ớt bột vào nước mía chẳng những không cung cấp thêm gì cho cơ thể mà còn kích thích dạ dày, là việc nên tránh khi bụng đói.

Tốt nhất, nếu muốn giảm cân, cần đến gặp bác sĩ chuyên về dinh dưỡng để được xác định tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ hiện tại (có béo phì, thiếu máu…) để có hướng ăn uống và tập luyện phù hợp.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:

Chưa có phương pháp nhịn ăn được y học công nhận

Chúng tôi đã từng nghiên cứu và thu thập nhiều tài liệu về vấn đề ăn kiêng và nhịn ăn, nhưng chưa nghe phương pháp nhịn ăn kiểu như thế. Trên thực tế, phương pháp này chỉ được gọi là tiết thực hoặc kiêng ăn. Bởi lẽ, nhịn ăn hay tuyệt thực là không ăn bất kỳ một thức gì dưới hình thức đặc hay lỏng mà chỉ uống nước thiên nhiên hay nước đun sôi để nguội.

Ở đây, người giảm cân có uống nước biển và nước mía pha muối và ớt bột, có nghĩa là trong mười ngày tiết thực cơ thể vẫn được cung cấp một lượng nhất định chất dinh dưỡng, vitamin và các nguyên tố vi lượng… Cho đến nay, mặc dù nhịn ăn là một trong những phương pháp đã có lịch sử lâu đời trong y học cổ truyền phương Đông và được không ít người áp dụng đem lại hiệu quả ngoài sức tưởng tượng, nhưng vẫn chưa được nền y học đương đại công nhận bởi lẽ: về lý thuyết nó đi ngược lại những gì mà sinh lý học và dinh dưỡng học hiện đại quan niệm, về thực hành nó chưa được nghiên cứu một cách khoa học bằng các công trình công phu đủ sức thuyết phục.

Nếu muốn áp dụng thử, ngoài việc theo dõi các chứng trạng chủ quan, định kỳ sau mỗi đợt tiết thực, nên đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khoẻ tổng thể, xét nghiệm cận lâm sàng, để xem thực trạng cơ thể như thế nào; nếu tốt hãy tiếp tục, còn xấu thì cần dừng lại và tham vấn ý kiến chuyên gia y tế và dinh dưỡng.

Sưu tầm.