Ông Ohayashi Taryo, giáo sư nhân học văn hóa trường Đại học Tokyo trong bài báo cô đúc “Vị thần lấy trộm giống lúa” (Xem thông báo UNESCO tháng 12-1984, số chuyên đề về “Những nền văn minh lúa gạo”) lại cho ta biết món bánh mochi rất phổ biến và quan trọng của bếp ăn Nhật Bản “được làm bằng gạo nếp hạt ngắn đem đồ lên đến khi chín mềm rồi đem giã nóng bằng chầy cho đến khi thành bột dính trong đó không còn phân biệt được hạt nữa… Mochi đóng vai trò quan trọng trong lễ tết, đầu năm mới ?
Tôi xin đưa ra một minh giải văn chương: Bà con cô bác miền nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét này là tiếng đọc chạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một “ngộ nhận văn hóa”. Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một “ngộ sự văn hóa”. Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).
Trong các cuộc thi tài thuở trước, mà ở đây là thi nấu cỗ, có biết bao người con của “vua Hùng” đã làm ra biết bao nhiêu món lạ, lạ mắt, lạ miệng… những sơn hào hải vị kiếm tận đâu đâu… Cái giỏi của “Lang Liêu”, cái con mắt tinh đời của “vua Hùng” cũng là cái sáng giá trong bảng giá trị văn hóa của dân tộc dân gian là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Trong tâm lý thường nghiệm, có thói quen chuộng lạ, ưa của lạ. Cái hằng ngày thân quen, nếu không biết cách nhìn, cách thưởng thức, cách biến đổi thành cơ cấu mới từ những nhân tố quen thuộc thì dễ trở thành nhàm chán.