Có câu “Ốc tháng mười, người Hà Nội”, bởi đúng thời gian đó, ốc mới ngọt, giòn, béo nhưng quanh năm, cứ sáng ra, là có rất nhiều hàng bún ốc xuất hiện khắp các con phố to, ngõ nhỏ, nhưng muốn ăn ngon thì cũng phải kén hàng.
Nổi tiếng nhất có lẽ là bún ốc bà Sáu ở Mai Hắc Đế. Điểm đặc biệt của hàng này là nước dùng rất thơm, vị thanh đặc biệt. Không bán ốc nhỏ, nhưng ốc mít vừa vặn, ăn giòn, thơm. Nhưng hàng này chỉ bán vào buổi sáng qua trưa. Đến chiều tối là chủ khác và hương vị cũng rất khác. Có điều quán nhỏ quá, vừa ăn, vừa nhấp nhổm vì có người đứng đằng sau đợi. Buổi sáng mà chen được vào đây làm bát bún cho ấm lòng thì chắc muộn làm. Cứ trưa muộn muộn lên là chắc ăn.
Hà Nội có hẳn một dãy phố Hòe Nhai, rất nhiều hàng bún ốc. Nhưng các hàng “cô béo: thịt bò giò tai” dành cho những người thích nhiều đạm một chút. Vì ngoài ốc, còn có hầm bà làng cả đậu phụ cắt nhỏ rán, thịt bò trần, giò lụa, giò tai. Gọi là bún ốc, nhưng ăn một bát ở đây chất hơn ăn phở. Nước cũng không có vị thanh đặc trưng của dấm bỗng. Nhưng thỉnh thoảng đổi món cũng thấy lạ miệng.
Được nhiều người nhắc tới và nhớ nhung là bún ốc nguội ngay đầu Ô Quan Chưởng. Đi qua mà không tinh mắt thì cũng không thấy hàng này, vì quán nhỏ, ngồi lọt thỏm một góc của một quán nước, lại còn bị chắn bởi cột điện. Hàng nhỏ xíu, ngồi ra vỉa hè cũng chỉ được đến 6 khách là chật. Ăn chơi cũng hết veo một suất, thòm thèm lại phải ăn suất nữa. Vì một suất có được 5-7 con ốc nhồi trong một bát ăn cơm nhỏ, với lưng lưng nước chấm và cũng độ 5-7 con bún. Không rau sống ăn kèm, và không gì khác. Nhưng ốc ở đây thì giòn thơm, sạch tuyệt đối và nước chấm thì khó tả, vừa có vị thanh nhẹ của dấm bỗng, hơi chua, ngọt. Người ăn yếu cũng nhẹ nhàng và được 2 suất. Còn quen chắc dạ ăn cơm trưa, thì lại phải mua thêm ít bánh rán bi ngay cạnh, ăn cho ấm bụng. Nghe nói là dấm bỗng ở đây được chế biến rất cầu kỳ để đảm bảo ăn nguội mà khách không bị đau bụng. Một cô ca sĩ có tiếng theo chồng về Mỹ, hòa nhập nhanh với cuộc sống hiện đại, nhưng thỉnh thoảng lại nôn nao: “Thèm bún ốc nguội quá”. Một món ăn đơn giản, nhưng đôi khi làm người xa quê nhớ nhà se sắt. Mỗi lần về, cô đều phải lượn qua đó, ăn liền 2-3 suất cho đỡ thèm.
Ở giữa phố Đội Cấn, cũng xuất hiện một quán lấy tên là Phố Cổ. Hàng này bị nhược điểm là nấu không đều tay, hôm ăn rất ngon, hôm lại bị nhiều dầu mỡ. Ở đây, có cả bún ốc nóng, ốc nguội và cả ốc chuối đậu. Trước quán sơ sài, nhưng giờ mới tân trang lại, ngồi cũng rất dễ chịu.
Bún ốc đầu đường Phù Đổng Thiên Vương hơi nhạt, nhưng bù lại có món nem ốc độc đáo. Thịt ốc cắt nhỏ làm nem, cuốn cùng lá lốt, chấm mayonaise, ăn rất thơm, lạ miệng. Có điều giá hơi chát, chỉ ăn thử cho biết.
Rất nhiều người khen ốc Phủ Tây Hồ, nhưng quả thật, ở đây chỉ dành cho khách phương xa tới thăm Hà Nội. Có thể không gian lãng đãng của Hồ Tây, với cái cảm giác thanh tịnh của Phủ, khiến nhiều du khách nhớ về bún ốc Phủ Tây Hồ. Nhưng với những người ở Hà Nội lâu năm, bún ốc ở đây nấu không được tinh xảo lắm.
Một trong những điều gây cảm tình của khách khi ăn món này là rổ rau sống ăn kèm. Phải đủ cả rau chuối thái nhỏ, xà lách tươi sạch, nhất là tía tô. Thiếu tía tô thì bún ốc sẽ mất một nửa hồn vía của nó.
Bún ốc là món ăn mùa hè hay mùa đông đều ngon miệng. Nhất là Tết, người cứ ngấy ngá ngang ngang, hậu quả của việc ăn quá nhiều thịt, chỉ cần lướt qua Đường Thành, ngửi thấy hơi nước dùng thanh thanh mùi dấm bỗng, là đã muốn quay xe lại…
Theo TapchiAmthuc