Bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để không bị tăng cân do ăn nhiều đồ trong dịp tết, mọi người chỉ nên ăn mỗi thứ một chút và đừng ăn quá no.

Hãy ăn nhiều rau quả, bởi đây là nguồn cung cấp vitamin, chất xơ dồi dào, giúp tăng cường vi chất và quét sạch các cặn bã cũng như lượng mỡ dư thừa ra khỏi cơ thể. Nên giảm bớt các thực phẩm giàu năng lượng như thịt, bia, rượu và tăng cường vận động…

Trẻ suy dinh dưỡng vì ăn vặt

Trẻ suy dinh dưỡng thường bỏ bữa chính, chỉ thích ăn đồ vặt. Tết đến, hầu như nhà nào cũng mua nhiều bánh, mứt nên trẻ càng ăn ngọt nhiều. Hậu quả là bị đầy hơi, khó tiêu. Hơn nữa, các món ăn cứ hâm đi hâm lại, ít rau quả tươi nên trẻ càng dễ chán ăn.

Các bậc cha mẹ nên duy trì bữa ăn, lịch ăn ngày Tết của trẻ càng giống bữa ăn hàng ngày càng tốt. Mỗi ngày nên có ít nhất một bữa cơm nóng, các món mặn nên thay đổi, thường xuyên có rau, quả. Tránh cho trẻ ăn vặt suốt ngày mà nên đưa chung vào bữa chính hoặc thành một bữa ăn phụ.

Ảnh: vietbao

Chế độ ăn cho người bị bệnh tim mạch

Người cao huyết áp dễ phát triển bệnh tim mạch nếu ăn quá nhiều thức ăn bổ dưỡng. Khẩu phần của người cao huyết áp cần ít muối, hạn chế mỡ và giảm rượu. Do vậy, nếu có bệnh này, bạn không nên ăn dưa món, kiệu muối mà nên thay bằng củ kiệu ngâm giấm đường.

Các món dưa giá, dưa hành cũng nên dùng giấm đường để giảm lượng muối. Những ai thích món tôm khô củ kiệu thì nên lưu ý chọn loại tôm to, ít mặn, không ăn quá nhiều. Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như giò chả, patê, vịt, lạp xưởng… ăn nhiều trái cây và rau xanh vì đây là nguồn thực phẩm giàu kali.

Món nộm ở miền Bắc và khổ qua dồn thịt ở miền Nam là những món ăn có lợi cho người cao huyết áp. Vừng là thực phẩm nhiều canxi, có tác dụng ổn định huyết áp. Người bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, đừng say sưa quá chén. Những món ăn như chè hạt sen, trà tâm sen có tác dụng an thần, cũng có lợi cho sức khỏe người cao huyết áp.

Theo giadinh.net.vn