Cắn một miếng dồi trường heo, mềm múp ngập răng mà vẫn nghe tiếng “phựt” giòn tan – chỉ còn biết thốt lên một tiếng “quá đã”.
Nhưng để người ăn thốt được cái tiếng ấy cũng phải có bí quyết. Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương chia sẻ một trong những cách luộc để có được miếng dồi trường mềm nhưng vẫn giòn. Đó là kỹ thuật luộc 2 sôi, 3 lạnh của người Bắc: dồi trường mua về, làm sạch rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh, khi đã đông đá thì bỏ vào nồi luộc cho tới khi thấy nước sôi thì lấy ra, lập tức ngâm vào nước đá, đến khi miếng lòng nguội hẳn thì tiếp tục luộc trên bếp rồi lại ngâm vào nước lạnh. Cách này khiến cho miếng dồi trường chín nhưng giòn. Ngoài ra, cô Sương cũng cho biết, dồi trường ngon nhất là lúc con heo đã đủ lớn nhưng chưa đẻ, dồi trường của nó sẽ căng, mọng và rất ngon.
Dồi trường ngon nhất là lúc con heo đã đủ lớn nhưng chưa đẻ, dồi trường của nó sẽ căng, mọng và rất ngon. Ảnh: Hạ Huy
Có lẽ bởi vì dồi trường heo đã quá ngon rồi nên chẳng cần phải chế biến gì nhiều, chỉ cần luộc lên, chấm đẫm vào chén mắm tôm thơm nức mũi, thêm vài ba cọng rau thơm điểm vị nữa là đã đủ cho một món ngon bậc nhất thiên hạ.
Tuy nhiên, cũng như tất cả các nguyên liệu khác, vô tay các bà nội trợ Việt thì cứ biến tấu liên miên, khi dồi trường hấp hành gừng, lúc dồi trường chấy tỏi, phút cao hứng lại có đĩa dồi trường xào bông hẹ xanh xanh, trắng trắng thật bắt mắt… Các bà nội trợ thì thế, còn các ông thì món dồi trường nào cũng gật, chỉ cần thêm một tí cay cay là đủ để lên tới chín tầng mây.
Theo Nhật Khuê (ihay)