Bánh khô mè vang danh một thời lều chõng

Bánh khô mè mang cái tích của một thời lều chõng đi thi thuở xưa…

Tích xưa kể rằng, để nhẹ gánh lều chõng cho chồng ra kinh đô Huế dự thi, các bà vợ xứ Quảng đã nghĩ ra cách làm bột ngũ cốc, khi ăn chỉ cần trộn thêm đường vào. Lúc đó, ở làng Hòa Quý (Đà Nẵng), một phụ nữ có sáng kiến biến thứ bột này thành một loại bánh tẩm với hạt mè để làm lương khô cho chồng về kinh ứng thí. Khi đỗ đạt, trở về làm tri phủ, vị quan này đã tôn vinh công lao vợ bằng cách đãi luôn đằng quan khách bằng thứ bánh dân dã ấy.

Bánh khô mè có vị ngọt thanh, cắn vào giòn tan như tiếng cười con gái. Ảnh: Vũ Phương Thảo

Trước khi có tên gọi bánh khô mè như bây giờ, dân gian vẫn gọi loại bánh này là bánh “bảy lửa”. Tức là để ra miếng bánh thành phẩm phải trải qua ngọn lửa bảy lần. Bánh khô mè ngày nay được làm bằng gạo và nếp trắng. Sau khi trải qua các công đoạn ngâm, xay nếp, chà vào khuôn, hấp thì phải đem nướng qua lửa ba lần rồi mới nhúng nước đường, gừng. Công đoạn hoàn tất cuối cùng là tẩm mè.

Bánh khô mè có vị ngọt thanh, cắn vào giòn tan như tiếng cười con gái. Bánh càng ngon thì những sợi tơ đường phải càng dẻo và lóng lánh như níu kéo, vấn vương thực khách. Loại bánh này đặc biệt “kỵ” gió, bảo quản không kỹ thì bánh sẽ mềm và chảy nước ngay.

Theo Vũ Phương Thảo (ịhay)