Hàng nhiều, khách vắng, chợ họp đến trưa mà hàng vẫn còn đầy ắp, kéo theo đó là nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức – TPHCM, cho biết lượng hàng về chợ lên đến 3.800 – 4.000 tấn/đêm, cộng với sức mua thị trường chậm, hàng tồn nhiều nên chợ kéo dài đến trưa. Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), tình hình cũng diễn ra tương tự.
Chợ sỉ bán lẻ
Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, nếu trước đây, hơn 8 giờ là vãn chợ thì thời gian gần đây thường xuyên kéo dài đến 11 – 12 giờ. Lượng khách lẻ đi chợ sỉ cũng tăng mạnh nên cuối tuần, ban quản lý phải sắp xếp lối đi cho khách. “Tính ra, mua lẻ ở chợ sỉ vẫn rẻ hơn vài chục phần trăm so với chợ lẻ nên chợ sỉ ngày càng đông khách lẻ” – ông Phú cho biết.
10 giờ 30 phút ngày 14-7, có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền, chúng tôi ghi nhận không khí bán hàng khá sôi động tại khu vực sân của nhà lồng chợ rau. Nếu không có khoảng không gian rộng và các khu nhà lồng, có thể lầm tưởng đây là một khu chợ tự phát đang giờ cao điểm. Khoảng sân trống phía trước các vựa mặt tiền hầu như được lấp đầy bởi các các loại rau củ, trái cây. Ở khoảng giữa sân là một dãy sạp bán nấm, rau, củ… Vài người bán đang chất thêm hàng ra khay/mâm, luôn miệng chào mời khách. Giữa cái nắng rát bỏng buổi trưa, khách hàng kín mít trong áo khoác, khẩu trang… đậu xe sát vào các “sạp” hỏi giá và mua hàng mà không cần bước xuống xe. Theo nhiều người bán, phần lớn những người đi chợ trưa kiểu này là chủ quán cơm hoặc kinh doanh hàng ăn uống, đi trễ để tranh thủ mua hàng giá rẻ nhất.
Chúng tôi ghé vào “sạp” bán nấm và rau cải, mua 1 kg xà lách búp giá chỉ 5.000 đồng (trong khi ở chợ lẻ phải 12.000 đồng/kg trở lên). Chị Nguyễn Thị Mua, bán hàng, cho biết đang bán “xổ” để về. “Từ khuya đến 7 giờ sáng bán trong nhà lồng chợ, từ 7 sáng giờ đến trưa thì chuyển ra ngoài cho khách dễ mua. Hàng nhiều, buôn bán ế ẩm nên phải tranh thủ bán lẻ để kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy. Có khi phải ngồi phơi nắng đến 13 giờ mới dọn dẹp ra về” – chị Mua ngán ngẩm.
Theo các tiểu thương, do sức mua quá chậm, ban quản lý chợ đã tạo điều kiện cho tiểu thương được bán hết trong buổi sáng để giải phóng hàng. Hơn 11 giờ, một số sạp thịt ở khu nhà lồng vẫn còn hoạt động dù chỉ lác đác khách mua. Tại sân khu chợ cá, nhiều tiểu thương vẫn còn bày hàng cá biển, cá đồng, ếch, ốc, cua… Thấy chúng tôi đi ngang, nhiều người giành nhau chào mời mua cá nục ướp đá giá chỉ 10.000 đồng/kg.
Hơn 11 giờ trưa, khu vực bán cá ở chợ đầu mối Bình Điền (Q.8 – TPHCM) vẫn còn nhiều người bán
Méo mặt chờ khách
Liên tục từ đầu năm đến nay, sức mua giảm mạnh. Trong khi kênh phân phối hiện đại đua nhau thực hiện các chương trình giảm giá để kéo khách, duy trì mức tăng trưởng thì tại các chợ lẻ, tiểu thương ngày càng đuối vì vắng khách. Rất nhiều tiểu thương các ngành hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, thực phẩm khô – chế biến… đã bỏ sạp vì thua lỗ.
Sáng 15-7, ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TPHCM, không khí mua sắm khá ảm đạm. Nếu trước đây, cuối tuần là dịp tiểu thương tăng lượng hàng, bổ sung nhiều loại đặc sản để bù lại một tuần bán cầm chừng thì hiện tại, cuối tuần lại là ngày tiểu thương rầu rĩ nhất. “Mười người khách thì đã hết 7 người đi siêu thị nên chợ cuối tuần vắng lắm” – chị Ba Lượm, bán thịt heo ở chợ Lò Than, Q.8, nói.
Gần 11 giờ, chợ Bình Hưng (huyện Bình Chánh) chỉ còn lác đác khách đi chợ muộn nhưng cả dãy bán thủy hải sản tươi sống vẫn còn đầy hàng. Thấy tôi đi ngang, một chị bán cá biển mặt buồn xo, năn nỉ mua ủng hộ: “Ăn cá nào, mua giùm chị, chị bán giá vốn cho. Sáng nay lấy mỗi loại có 4 kg mà bán không hết, giờ loại nào cũng còn quá nửa như vầy, ngán quá”. Tôi ái ngại hỏi chị sẽ giải quyết thế nào với số cá còn ế. “Hết khách thì cũng phải dọn về thôi. Cá còn ế thì bỏ vô tủ mát, tủ lạnh, mai đem ra bán tiếp. Ai cũng làm vậy mà, có điều bữa nay coi như ra chợ ngồi chơi, không kiếm được đồng lời nào” – chị trả lời buồn buồn…
Theo Thanh Nhân (Người lao động)