5 quán cháo đặc sản ở Hà Nội

Còn rất nhiều món cháo khác trên mảnh đất Kinh Kỳ. Cháo, món ăn có lẽ chỉ phổ biến sau cơm, phù hợp với rất nhiều đối tượng, dễ ăn, ngon miệng. Người ta có thể ăn chơi, ăn thay cơm cho no hay thưởng thức nó như một thứ “đặc sản”.
 
1. Cháo lòng đường Bưởi

Không phải món phổ biến mà có thể gặp bất cứ ở ngõ, phố nào ở Hà Nội, nhưng cháo lòng cũng là món dễ kiếm. Một vài quán cháo lòng có tiếng được dân ma xó Hà Nội mách nhau như cháo lòng Hàng Phèn, cháo lòng phố Sơn Tây. Và đặc biệt là cháo lòng đường Bưởi.

Cứ tưởng, cháo lòng không phải chỉ dành cho các quý ông thích ngồi nhâm nhi nhắm rượu mà ngay cả chị em phụ nữ cũng rất ưa thích món này. Quán cháo lòng đường Bưởi đã có vài năm nay, không gian thoáng và khá sạch sẽ.

Quán chỉ bán vào buổi sáng tới trưa là hết nên nếu muốn thưởng thức món cháo lòng đặc biệt tại đây bạn nên tranh thủ đi ăn. Nếu ai đã thưởng thức cháo lòng trong Sài Gòn đều dễ nhận ra, cháo lòng Hà Nội có màu đậm và đặc hơn.

Có lẽ bởi vì các chủ quán Hà Nội có bí quyết riêng nào đó. Hỏi ra mới biết, cháo lòng Hà Nội đậm đà bởi được nấu từ nước xương lợn ninh nhừ. Lòng lợn và tiết canh sau khi được làm sạch sẽ mới cho vào. Nồi cháo còn được gia giảm các lục phủ, ngũ tạng khác như gan, tim, cật cùng với rau gia vị như hành, húng, ớt…

Ăn cháo lòng có cái thú vị riêng, bên cạnh bát cháo nóng hổi với màu sắc đặc trưng, bạn còn được thưởng thức thêm một đĩa lòng lợn ngon tuyệt. Miếng gan nếp bùi bùi, miếng lòng non vị đắng ngọt, miếng dạ dày giòn sần sật hay miếng tràng sậm sựt.

Địa chỉ: 166 đường bưởi, Hà Nội, giá: 15000đ/ bát.

2. Cháo ruốc thịt

Nghe món cháo mới đầu tưởng đơn giản, nhưng để ngon và hút khách thì không phải quán cháo nào cũng làm được. Cháo ruốc thịt tại đường Xuân Thủy hay được nhắc tới bởi cách nấu và sự hào phóng của bà chủ quán.

Cháo được ninh nhừ, hạt gạo nở bung trong nước xương, cháo đặc sánh. Ruốc thịt được để riêng, đây là loại ruốc bà chủ quán tự tay chọn thịt, giã và rang khô, nhìn qua đã thấy thật và ngon. Mỗi bát cháo 5.000 đồng mà bà “nêm” cho một nhúm ruốc to, trộn lẫn trong cháo thấy đâu cũng có miếng thịt ruốc.

Món ăn rất phù hợp với trẻ nhỏ trong bữa sáng hay lót dạ ấm cho các mẹ trước khi đi làm. Địa chỉ: ngõ 175 Xuân Thủy, giá: 5000 đồng/ bát

3. Cháo sườn nấu trong nồi đất

Thật thú vị khi đặc sản của quán trà Đài Loan trên phố Phan Đình Phùng lại là món cháo sườn. Mỗi suất cháo được nấu trong một nồi đất nung nhỏ. Cháo đến tay thực khách vẫn còn đang sôi lục bục. Và khi mở nắp nồi, lập tức dậy lên mùi thơm ngậy của cháo và sườn hòa quyện với nhau.

Bên trên bát cháo rắc một ít hành hoa, nhìn là muốn thưởng thức ngay. Gạo nấu cháo không xay ra mà để nguyên hạt, nhưng tuyệt nhiên cháo vẫn rất sánh và dẻo thơm. Sườn non nhừ, mềm, có mùi thơm cháy cạnh vì được ninh trong nồi đất.

Nồi cháo tuy nhỏ nhưng có khá nhiều sườn rất nạc và chắc. Chứ không như những quán cháo sườn khác, vừa ăn vừa phải… tưởng tượng ra sườn. Ngoài ra, thực khách còn có thể yêu cầu thêm thịt bò, bắp non ăn kèm.
Món cháo sườn thích hợp ăn vào buổi sáng. Xì xụp cháo nóng hổi, thưởng thức thêm tách trà sen, bạn sẽ có được những phút giây thư thái.

Quán Trà Đài Loan 1102, Địa chỉ: Số 3B, Phan Đình Phùng, Quận Ba Đình, Hà Nội. Giá từ 30.000-50.000 đồng/nồi

4. Đậm đà cháo cá Bắc Ninh

Ấn tượng đầu tiên khi thưởng thức những tô cháo cá nóng hổi vừa thổi vừa ăn với nhiều thực khách là có rất nhiều thịt cá. Những miếng thịt cá tròn lăn lẳn, trắng muốt, vị ngọt tự nhiên, thơm giòn. Cháo được nấu đặc vừa, sánh và bùi bùi, ngòn ngọt vị của hạt gạo vùng quê Kinh Bắc.

Để tô cháo cá thơm phức, không tanh vị cá nhưng lại vẫn giữ được sự đậm đà của thịt cá là cả một sự khéo léo lẫn những bí quyết của người nấu. Anh chủ quán chia sẻ, ngày xưa khi cá lóc còn nhiều (cá tự nhiên), gia đình anh thường mua những con cá tâm từ 2-3kg về, làm sạch nhớt, tẩm ướp gia vị, gừng, xả thật thơm rồi cho vào nồi hấp cách thủy.

Tiếp đó cá sẽ được gỡ rất kỹ để đảm bảo không bị sót xương răm khiến khách bị hóc khi ăn. Nước hấp cá được dùng để nấu cháo nên một phần vị ngọt của cá đã hòa quyện vào bên trong. Nay, cá lóc hiếm, thay vào đó, gia đình anh thường mua những con cá trắm, cá mè tàu từ 3-5kg về chế biến.

Thịt cá trắm và cá mè tuy không bằng cá lóc nhưng dưới bàn tay khéo léo cùng với những công thức gia truyền, món cháo cá của quan vẫn giữ nguyên được hương vị ăn một lần nhớ mãi.

Đặc biệt hơn, với cá trắm, quán còn bổ sung thêm món cháo lòng cá với vị giòn giòn, ngậy ngậy ăn rất lạ miệng. Lòng cá số lượng có hạn, chị chủ quán cũng chẳng mấy khi mời khách lạ, nên khi ăn, bạn nhớ hỏi chị xem món lòng đó còn không để khỏi tiếc nuối.
Địa chỉ: quán Bẩy Ngọc, số 14, Ngõ 21 Hoàng Ngóc Phách – Láng Hạ – Đống Đa – Hà Nội.

5. Giải nhiệt với cháo đỗ xanh cà muối

Món cháo này thường xuất hiện vào mùa hè, khi mà cái nắng nóng có thể tiêu diệt mọi cảm hứng của bạn với các món ăn, lúc đó đừng quên món cháo đỗ xanh, gia giảm thêm mấy quả cà pháo giòn tan hay vài miếng đậu phụ mặn mà.

Mùa hè cháo chẳng cần để nóng mà ăn vẫn cứ thơm mát, nhưng mùa đông, nhiều chủ quán lúc nào cũng hâm nóng nồi cháo. Cái thú khi ăn món cháo này trong mùa đông chính là cảm thấy hương vị của mùa hè trong đó.

Cứ tưởng nấu món cháo đậu xanh này dễ dàng như món cháo hoa khi chỉ cần đổ nước cho gạo và đỗ vào ninh nhừ. Bác Thu Hòa, một người có thâm niên nấu cháo đỗ xanh gần 20 năm tại ngõ 218 phố Tây Sơn (Q. Đống Đa, HN) vui vẻ chia sẻ bí quyết: cháo nấu lơn phải có độ sền sệt, không quá đặc, quá loãng. Hạt gạo phải bung ra như bông hoa, đậu xanh vẫn giữ nguyên hạt nhưng khi nhai phải mềm nhừ.

Điểm đặc biệt nữa, để món đậu xanh thơm ngon, giữ được các khoáng chất và vitamin, nhất định phải để cả vỏ khi nấu. Tuy nhìn không đẹp mắt nhưng vị mát của bát cháo đỗ xanh nguyên vỏ tuyệt vời hơn nhiều bát cháo đỗ đã bóc vỏ vàng ruộm.

Một bát cháo đỗ xanh ngon không thể thiếu đi mấy quả cà pháo muối hay vai ba miếng đậu phụ ướp nước mắm hành thơm phưng phức. Chẳng hiểu cơ duyên từ bao giờ mà sự kết hợp của ba thứ dân dã đó tạo thành một món ăn tuyệt vời tới thế. Nhưng đừng quá tham ăn nhiều cà vì nó làm giảm đi ít nhiều vị ngọt bùi của cháo, chỉ chừng 3-5 quả cho một tô cháo mà thôi bạn nhé.

Còn món đậu rán, nhớ nhắc bác hàng cháo chọn miếng đậu vừa rời chảo, chín già để có độ giòn, đồng thời, được ngấm ngập trong nước sốt mắm và hành thái nhỏ.

Địa chỉ: Ngõ 218 Tây Sơn, gần hồ bán nguyệt đền thờ Hoàng Cao Khải.

Theo Tapchiamthuc