Bản Cỏi, xã Xuân Sơn nơi có người Dao Tiền sinh sống là bản có số lượng gà nhiều cựa nhiều nhất vùng này. Thực ra, số lượng gà có đủ chín cựa rất ít. Thường gà có bảy cựa là nhiều nên gọi là gà nhiều cựa là chính xác nhất.
Ảnh: xaluan.com
Gà nhiều cựa có thân hình nhỏ nhắn và trong không khác so với gà thường là mấy. Giống gà này lạ ở chỗ ngay từ khi mới nở từ trong trứng ra chân chúng đã mọc rất nhiều cựa. Cựa của chúng trông giống như những ngón chân nhỏ mọc ra. Khi gà biết gáy, được 8-9 tháng cựa nhú rõ lên thành hàng. Điều đặc biệt là những chiếc cựa này không chỉ riêng có ở những chú gà trống khoẻ khoắn mà còn có ở gà mái. Trong cũng một lứa, có những con gà có nhiều cựa, có con lại không có cựa nào. Những con nhiều cựa thường rất hiếu chiến, nhất là gà trống. Trọng lượng của gà trưởng thành nặng khoảng 1,5-1,8 kg. Những con gà này cũng khoác trên mình những bộ cánh sặc sỡ. Gà trống thường có lông màu đỏ, còn màu nâu hay trắng là màu lông của những con gà mái. Khả năng bay nhảy của gà nhiều cựa rất giỏi. Trong bờ bụi, chúng lủi nhanh như cuốc và bay lượn như gà rừng. Muốn bắt chúng vào ban ngày chỉ còn cách dùng chài quăng hoặc dùng nỏ bắn.
Giống gà nhiều cựa này được coi là gà quý, không chỉ được người dân vùng này nâng niu mà còn thu hút được đông đảo du khách từ các vùng miền khác đến chiêm ngưỡng. Những chú gà này được chăn thả tự nhiên chứ không bị bắt nhốt. Chúng thường đi ăn từ 4 giờ sáng đến tối thì tự động về, có lẽ vì thế mà thịt gà nhiều cựa rất thơm ngon và rắn chắc.
Du khách từ nơi xa đến thường được người dân trong bản đón tiếp như những người khách quý. Không chỉ được nhìn ngắm những chú gà kì lạ này mà còn được vinh dự nếm thử hương vị độc đáo từ gà nhiều cựa. Hương vị đó cũng đặc biệt như chính những chú gà
nhiều cựa ở đây. Thịt gà nhiều cựa ngọt lừ, khi ăn cho người ta cảm giác thú vị những rất khó tả thành lời. Vị ngon ngọt của gà càng trở nên riêng biệt và hấp dẫn khi được người bản xứ ăn kèm với ngọn đu đủ luộc. Vị nhằn nhặn đắng của đu đủ không làm át đi độ ngọt ngào của thịt gà mà trái lại càng làm tăng thêm vị bùi, thơm của thịt làm ai đã “trót” thưởng thức một lần thì nhớ da diết hương vị đặc biệt đó. Xé từng miếng thịt, thêm ngọn đu đủ, nhắm cùng chén rượu hoẵng (một loại rượu được ủ bằng men lá rừng theo công thức riêng của người Dao), bỗng có cảm giác êm như nhung nơi đầu lưỡi làm người du khách ngây ngất.
Chân gà, đầu gà cũng được người dân dùng để nấu những bát canh măng như người Kinh vẫn hay làm. Qua lớp nước canh vàng nhạt óng ánh, thực khách như bị thu hút bởi những chiếc chân gà có hình thù rất lạ. Ai cũng có cảm giác thú vị khi vừa thưởng thức thịt gà nhiều cựa vừa ngồi đếm cựa ở những chiếc chân gà.
Cùng với món rau sắng tươi ngon của đồng bào dân tộc Dao, Mường; gà nhiều cựa có vị thơm ngon độc đáo đã tạo cho du khách có cảm giác như đang được sống trong những truyền thuyết xa xưa...
Theo monngonhanoi