Ở Hà Nội trà đá, nhân trần thì đâu đâu cũng bắt gặp nhưng để kiếm một bát nước vối thì thật là khó. Ngày tôi còn nhỏ, quê tôi thi thoảng còn có nhà trồng vối. Nhưng rồi dần dần tận những vùng quê yên ả cũng bị kinh tế thị trường làm xáo động. Đất quý như vàng thế là những cây vối cũng theo đó mà mất đi thay vào đó là nhà, là quán…
Ảnh: quanphp
Cây vối vừa có tác dụng cho bóng mát, nụ và lá lại là thứ nước dân dã rất nhiều người yêu thích. Khác với chè xanh uống tươi mới ngon, lá vôi già hái xuống phải phơi thật khô giòn thì nước mới đậm và thơm ngon. Nụ vối cũng tương tự thế. Thường người ta phơi mấy nắng cho thật khô, cho vào túi nilon bảo quản và để uống dần. Lá và nụ vối hãm đúng cách là phải dùng loại tích sứ, nước vừa sôi trên bếp gạn vào rồi đậy chặt ủ trong ấm giỏ. Đợi một lúc cho ngấm và tỏa mùi thơm mới dùng được.
Cây vối có hai loại vối tẻ lá to có màu xanh thẫm, vối nếp lá nhỏ hơn, có màu vàng xanh. Vối nếp cho nước ngon và thơm hơn nhiều. Cây vối to nhưng chỉ cho nụ và mùa xuân. Đợi tới khi nụ bằng hạt đậu người ta hái xuống phơi khô và bảo quản làm quà biếu hoặc uống dần. Ngày nay tại siêu thị đôi khi cũng có bán nụ vối ướp hương sen hay hương nhài nên hương thơm đặc trưng không còn được như xưa.
Ảnh: langque
Ngày hè nước vối không chỉ là thức uống thông thường mà còn rất nhiều công dụng như giải nhiệt, chữa mất ngủ, khó tiêu…Nước vối thấm cái thô mộc, dịu dàng lẫn cả mùi tro bếp, thôi thúc nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị làng quê mộc mạc và đằm thắm tình người.
Người làng quê vốn thân thiện, chỉ ấm nước vối, vài ba câu chuyện là khắp xóm làng vang rộn tiếng cười. Trưa hè, tranh thủ trước khi ra đồng, dưới gốc đa đầu làng nhà có miếng trầu, nhà tích nước vối thế là bao mệt nhọc tan biến. Tối về dưới ánh trăng tỏ bát nước vối cùng chuyện làng trên xóm dưới, tiếng trẻ nô đùa cứ âm vang mãi… Thế mới biết tình làng nghĩa xóm giản đơn đâu cần cầu kỳ, câu nệ và lại thêm hiểu tại sao mỗi lần nghĩ về bát nước vối thôi bao người đã bồi hồi nhớ da diết cố hương.
Theo monngonhanoi