Hàng bao nhiêu năm nay, người dân quê tôi vẫn dùng chổi rơm quét nhà, quét trần. Cứ vào vụ gặt, khi tuốt lúa xong, rơm nếp được xiến phần gốc rồi bó lại gọn gàng, sau đó đem phơi nắng cho khô, cất lên gác mái, để đến khi nông nhàn mới lấy ra kết chổi. Viêc phơi rơm phải rất cẩn thận, từng bó một được trải đều ra, nếu phơi rơm không được nắng hay rơm còn ẩm mà đã cất thì rơm sẽ bị mốc, lõi rơm ngả màu. Rơm dùng để làm chổi phải là rơm nếp, bởi rơm nếp cứng hơn rơm tẻ và có màu vàng óng.
Ở quê, vào vụ lúa tháng năm người dân mới hay lấy rơm nếp làm chổi. Bởi một năm trồng hai vụ lúa, thu hoạch vào tháng năm và tháng mười. Vụ lúa tháng năm thì trồng gối vụ, thu hoạch xong là cày bừa cấy lúa mới luôn. Còn vụ tháng mười, sau khi thu lúa là trồng ngô. Trồng ngô vất vả hơn vì các công đoạn làm đất, làm bầu, trồng ngô cầu kỳ. Chính vì thế mà vụ tháng mười rất bận, chỉ có vụ tháng năm mọi người mới xiến rơm nếp làm chổi.
Vào lúc rỗi, bà và mẹ cùng mấy đứa trẻ rút lõi rơm để kết chổi. Lõi rơm bó lại thành từng bó nhỏ, một cái chổi được làm từ bốn bó nhỏ như thế. Điều đặc biệt là, chổi rơm được bó lại bằng dây lạt dang. Dây lạt dang vừa khỏe, vừa dai, chỉ có loại dây này mới có thể buộc chổi. Vào ngày chợ phiên (ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch), mẹ gánh chổi xuống chợ bán.
Ảnh: my.opera.com
Rơm nếp đủ để làm chổi quanh năm, vì thế hầu như phiên chợ nào mẹ tôi cũng mang năm bảy chiếc xuống chợ bán. Bao đời nay chiếc chổi rơm gắn bó với người thôn quê, nhưng đến nay chổi rơm đã bị thay thế dần. Quét sân thì đã có chổi cọ, quét nhà thì có chổi chít, chổi rơm không còn mấy người dùng. Thỉnh thoảng cũng có người tìm mua chổi rơm nếp để đốt, lấy tro bỏ vào bát hương. Bà tôi bảo: “Bỏ rơm nếp để đun kể ra cũng phí, nhưng giờ kết chổi thì bán cho ai. Rồi sau này thế hệ con cháu chúng mày chắc không còn biết đến cái chổi rơm nữa”.
Nghề làm chổi rơm là nghề thủ công, một nghề phụ và gắn bó với người dân quê tôi bao đời nay. Thời của mẹ với bà tôi, con gái ai cũng phải biết kết chổi, để sau này về nhà chồng còn biết tự kết chổi để dùng. Thế mà đến nay, hình ảnh chổi rơm đã mất dần và thế hệ sau này chắc không còn biết đến chiếc chổi thôn quê nữa.
Theo monngonhanoi