Cuối tháng Chạp, sau ngày ông Công ông Táo về trời là trong lòng mỗi người con lại rộn ràng suy nghĩ chuẩn bị về Chạp họ, có nơi còn gọi dân dã là “Ăn họ”.
Ảnh:camphuong
Tùy mỗi địa phương, mỗi dòng họ mà quy định ngày Chạp họ có thể xê dịch khác nhau, nhưng thường là xoay quanh những ngày cận Tết, con cháu trong họ nội tộc dù đi đâu, làm ăn ở xa hay gần sẽ tập trung từ sớm tại Từ Đường ở nhà trưởng họ để gặp mặt và cùng nhau làm cỗ cúng cụ tổ, các ông bà của dòng họ mình đã khuất.
Nét đặc trưng mỗi họ khác nhau, có dòng họ quy định chỉ nam giới hay còn gọi là suất đinh mới được tham gia ăn họ, còn phụ nữ thì không. Nhưng cũng có dòng họ tất cả mọi con cháu, không phân biệt nam, nữ đều phải tham gia Chạp họ và đó là ngày hội gặp mặt của đại gia đình lớn.
Khi con cháu đã tập trung đủ tại nhà Từ Đường, trưởng họ hoặc vị cao tuổi nhất trong họ sẽ đứng ra tuyên bố lý do họp họ với con cháu, rồi làm lễ báo cáo buổi Chạp họ để tổ tiên chứng giám. Sau đó các vị lớn tuổi trong họ sẽ tổng kết lại tình hình gia tộc trong năm vừa qua, rút kinh nghiệm trước toàn họ tộc về những việc đã làm được và những gì còn thiếu xót trong không khí hết sức trang trọng, thiêng liêng và đầy tinh thần trách nhiệm.
Ảnh:camphuong
Họp họ xong, con cháu sẽ tập trung lại nấu cỗ cả họ cùng ăn trong không khí quây quần, đầm ấm, vui vẻ. Sau khi ăn uống xong, tùy theo mỗi họ có thể cho con cháu đi tảo mộ, chăm sóc lại mồ mả của dòng họ, mời tổ tiên các cụ về ăn Tết với con cháu, đồng thời để thế hệ trẻ có cơ hội nhận mồ mả tổ tiên. Đây là một nét đẹp trong văn hóa làng xã, họ mạc của dân tộc ta xưa nay để lại. Nó mang đậm tính nhân văn sâu sắc, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam giàu tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau.
Dù kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhưng người ta vẫn luôn hướng về những giá trị truyền thống từ bao đời nay. Và nếu để ý kỹ hơn thì ở làng quê nào càng giữ được nét cổ kính, dân dã và “quê” bao nhiêu thì các phong tục cổ truyền như thế càng được gìn giữ nguyên bản bấy nhiêu.
Theo monngonhanoi