Chao Phô mai Châu Á
2/29/2012 11:53:00 AM
Nếu người châu Âu tự hào với món phô- mai ngon tuyệt, thì người châu Á cũng không chịu kém cạnh mà đáp rằng: Chao của chúng tôi mới tuyệt ngon! Khi một anh mũi tẹt nhắm mắt lắc đầu với miếng phô-mai Camember trứ danh, thì một chàng mũi lõ lại háo hức chén sạch cái món ăn nặng mùi đó. Khi anh chàng da vàng say mê thưởng thức món chao chùa, anh da trắng lại hãi hùng khi nghĩ đến việc phải ăn cái món (thum thủm) nhường ấy. Thế mới gọi là văn hóa ẩm thực. Mỗi vùng, mỗi miền đều có món khoái khẩu của mình. Và nếu có sự so sánh, người ta thường nói rằng, chao chính là (phô-mai châu Á)
Ở Việt Nam, chao là một thực phẩm rất quen thuộc. Trong rất nhiều bếp Việt, hũ chao nằm cạnh các hũ mắm muối khác như một loại gia vị không thể thiếu. Gọi chao là một món ăn, một thực phẩm chuyên biệt cũng được, mà xem chao là một loại gia vị cũng chẳng sai.
Có thể chia chao Việt thành hai loại chính là chao nước và chao khô. Chao nước phổ biến hơn cả. Cách làm chao cũng khá đơn giản. Này nhé, đậu phụ trắng đem luộc sôi, vớt ra để nguội. Trên một chiếc rổ con, lót một lớp lá chuối xé nhỏ (nhưng đừng xé rời), để đậu phụ lên cho róc nước. Phía trên lại đậy một lớp lá chuối nữa, ủ khoảng ba ngày rồi xắt miếng vuông hình quân cờ, xếp vào keo. Sau đó, thắng nước muối, nêm thêm ít đường cho vừa ăn và nấu sôi. Nếu muốn ăn cay và cho chao có màu hồng tươi, khi nấu bạn thêm vào ít ớt bằm. Nước muối đã nguội, bạn cho vào keo, thêm ít rượu trắng, mang phơi nắng khoảng 5 đến 6 ngày là dùng được.

Chao khô còn được gọi là chao chùa. Bạn cũng cắt đậu phụ thành miếng vừa ăn, sắp lên mẹt, đậy lá cho kín, ủ trong 3 ngày. Sau đó dỡ bỏ lá, chế nước sôi, rửa sạch miếng đậu, để ráo nước. Kế đó, dùng hỗn hợp muối và tiêu sọ cà nhỏ rải lên miếng đậu, lăn thật đều. Muối bọt rang giã nhỏ, rây sạch lót vào thố, sắp đậu phụ lên trên. Riềng rửa sạch, xắt nhuyễn cho vào hỗn hợp ướp chừng 20 phút, sau đó đổ rượu trắng vừa ngập miếng đậu, đậy thật kín mang phơi nắng khoảng 20 ngày có thể dùng.
Ấy là nói cái khoảng thời gian đậu phụ biến thành chao. Chứ với chao làm đúng cách, càng để lâu chao càng ngon. Gắp chao phải gắp cho khéo, bởi miếng chao giờ đây mềm rục như một miếng bơ và béo ngậy như phô-mai. Mà cái béo của sản phẩm làm từ thực vật không ngấy như kiểu béo của phô-mai vốn làm từ sữa. Bạn có thể ăn chao hoài mà không ngán, càng ăn càng thấy chao kích thích ngon miệng.
Chao chùa thường rất nặng mùi. Những người không quen sẽ khó ăn được, nhưng đã (chịu) rồi sẽ nghiện như Tây ghiền phô-mai Camember. Các chùa ở Huế không khi nào thiếu món chao này. Thậm chí, khá nhiều người Huế cũng làm món chao khô để ăn trong gia đình như một gia vị thông thường.
Bạn đã bao giờ thưởng thức một bữa thịt luộc ăn kèm với các loại quả vả, chuối chát, dưa leo, khế với bát nước chấm là chao chùa đánh tan với chanh? Món thịt trở nên thơm và béo chưa từng thấy. Đó sẽ là một món ăn khiến bạn nhớ hoài mỗi khi nghĩ đến Huế.
Ở Sài Gòn, chao phổ biến nhất trên bàn nhậu của quán... lẩu dê. Biết bao người đã từng khen nức nở cái món nhũ dê nướng. Và tất cả đều đồng thanh nhất trí rằng, cái (món độc) ấy mà thiếu chao thì hỏng. Mỗi quán có một cách pha nước chấm riêng nhưng tựu trung là chao hòa với nước chao, đường, chanh hoặc giấm vừa ăn và có độ sền sệt. Bát chao ngon thì khi chấm miếng thịt vào, chao bám lấy một lượng vừa đủ, không quá nhạt cũng không quá mặn. Miếng nhũ dê trở nên ngọt lừ và vương vấn hoài cái béo của chao trên đầu lưỡi.
Còn miền Tây lại phổ biến món vịt nấu chao. Có người ví đây là một cuộc lương duyên giữa chao và thịt vịt, thịt ngan. Tiết trời lành lạnh như tháng 12 này mà có nồi vịt nấu chao ăn lễ Giáng sinh thì thật tuyệt. Đây đích thực là ăn Noel kiểu (ta). Bên nồi lẩu nóng thơm lừng đang sôi sùng sục, bạn vặn ít tần ô, cải xanh cho vào, chan với bún hoặc mì.

Mùi đặc trưng của chao khi đứng một mình có người khen kẻ chê, nhưng trong một nồi lẩu thế này, mùi chao kết hợp với thịt vịt tạo thành hương thơm quyến rũ mà đến người khó tính nhất cũng phải hít hà. Miếng thịt vịt có chao trở nên đậm đà, ngọt bùi và thơm ngậy.
Với những người sành ăn, chao còn có một sự kết hợp độc đáo với sốt mayonnaise và mù tạt để làm thành một món có tên gọi rất (quốc tế) là chao Mỹ. Dùng hỗn hợp này làm sốt chấm với bánh mì thì tuyệt hảo. Vị béo của bơ càng dậy lên bởi mayonnaise, và vị cay của mù tạt xộc lên, nuốt hết miếng bánh mì vẫn thấy còn lại dư vị của món chao Mỹ, ngon lạ ngon lùng như thấm vào từng thớ thịt.
Còn với cái thời người khôn của khó, chao có thể trở thành món thức ăn độc nhất giữa mâm cơm, chỉ thế thôi mà khiến bạn hao cơm vô cùng. Ăn một bát cơm nguội với chao, hết nhẵn vẫn thấy thòm thèm. Chẳng mấy chốc một nồi cơm cũng hết veo chứ nói gì dăm ba bát. Đấy là kiểu ăn phổ biến, kiểu ăn dành cho (con nhà nghèo). Có phải vì vậy mà cái tên (chao) nghe cứ như một tiếng thở dài? Một tiếng thở dài đôi khi kèm theo cả niềm nhung nhớ: (Chao ôi! Lâu quá không ăn chao...)
Theo monngonhanoi