Có một chiều trưa hè nắng oi ả, tiếng ve kêu râm ran làm cho nhịp sống vốn ồn ào nơi phố xá bỗng thấy sao mà yên bình thế. Đang lắng nghe cái nốt trầm tĩnh lặng của nhịp sống ồn ào đó, tôi bỗng giật mình bởi tiếng rao “Ai bánh gio không?”. Chẳng phải là lần đầu nghe thấy tên loại bánh này, nhưng thứ thực, chưa lần nào tôi nếm thử, sự tò mò trỗi dậy và tối cất tiếng gọi: “bánh gio ơi !”
Cô bán hàng khuôn mặt vui vẻ đặt gánh hàng xuống, vừa phe phẩy cái nón đã ngả màu của thời gian, vừa hỏi “chị ăn mấy cái?”. Nhìn thấy chiếc bánh gio bé như hai long bàn tay úp lại, vỏ bánh vó màu vàng, tôi nghĩ bụng “bánh nhà quê chắc tên lạ chứ không ngon”.
Vừa nhanh tay bóc bỏ vỏ của chiếc bánh, cô bán hàng đon đả nói cho tôi nghe về kỹ thuật làm loại “bánh gio nhà quê”. Bánh gio là loại bánh quen thuộc với những người dân vùng nông thôn, người ta thường hay ăn bánh gio vào dịp hội làng hay vào tháng ba âm lịch. Nguyên liệu để làm bánh gio thường là những nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, lá chit, vôi trong và hoa bưởi.
Nghe thì đơn giản, nhưng quả thật, có đích thân đi làm loại bánh này mới thấy hết được sự kỳ công của những người làm bánh. Vui chuyện, cô bán hàng kể cho tôi. Rằng, bánh gio là thứ đặc sản, tết nào người vùng quê cũng đặt trên bàn thờ ít nhất là một cặp cùng với bánh chưng truyền thống, để cúng tổ tiên. Để làm ra chiếc bánh gio, mỗi vùng đều có nghệ thuật riêng, không chỉ đòi hỏi sự khéo tay trong việc chọn lá chít sao cho vừa, gói sao cho đẹp mắt; mà hơn thế còn ở việc chọn thứ gạo nếp cái hoa vàng ngon nhất, ở việc pha chế, gạn lọc nước tro, nước vôi sao cho vừa phải, không bị nồng.
Gạo nếp thật ngon đem sàng sảy kỹ, chọn bỏ các hạt xấu và gạo tẻ lẫn vào. Vo gạo thật kỹ, thay nước nhiều lần, bao giờ thấy nước gạo thật trong mới thôi. Để gạo thật ráo nước rồi đem ngâm vào nước vôi trong chừng 2 giờ đồng hồ. Lại vớt ra đợi hạt gạo thật khô tơi mới đem ngâm vào nước nắng qua một đêm.
Lá chít đem luộc thật kỹ và thay nước nhiều lần cho phai hết chất diệp lục. Mỗi chiếc bánh gio chỉ cần dùng 2 hoặc 3 chiếc lá chít. Gạo nếp đã ngâm nước nắng lên màu hổ phách được vớt lên cho ráo nước. Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã rửa sạch lau khô, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt.
Chiếc bánh gio luộc xong để nguội. Nhẹ nhàng lật từng lớp lá rong ra, một khối màu vàng óng ả trong suốt, núng nính như một tảng thạch hiện ra nhìn thấy rõ cả những hình những hạt gạo kết vào nhau. Chiếc bánh mát, trong, cái cảm giác mong manh chỉ sợ đưa lên miệng ăn sẽ làm mất đi vẻ đẹp mịn màng và làm hỏng cả khối thạch trong suốt ấy. Mùi thơm nồng nhẹ nhàng lan tỏa. Cắt bánh thành từng miếng nhỏ mỏng bay, thêm thìa mật mía, mật ong hoặc mật đường tùy sở thích. Thìa mật ong vàng sánh chảy nhẹ trên bề mặt bánh, dùng dĩa ăn một miếng. Cái vị ngọt mát, nồng thơm, giòn giòn, ngọt lịm hòa lẫn vào nhau, tan chảy nơi đầu lưỡi, có cảm giác cái nắng hè gay gắt sẽ dịu đi ngay tức thì.
Bên trong chiếc bánh nhìn giản dị như vậy ẩn chứa biết bao sự kỳ công và cả nghệ thuật của vùng quê Việt Nam. Ăn bánh xong, có cái gì đó kỳ lạ lâng lâng khiến tôi thấy yêu sao hương vị “bánh nhà quê” đến thế.
Thu Mia (monngonhanoi)